Truy cập nội dung luôn

Ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm trà

Chè là cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, những năm qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè luôn được tỉnh và các địa phương quan tâm. Đây cũng là xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thu hái chè trên đồi chè Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ (ảnh: Kim Khoa)

Với diện tích trên 22,2 nghìn ha, năng suất đạt 127 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 272,8 nghìn tấn/năm, Thái Nguyên đang là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng chè (chiếm 18,3% diện tích và 24% sản lượng chè búp tươi của cả nước). Các giống chè được trồng tại Thái Nguyên khá phong phú. Ngoài giống trung du, tỉnh đã quan tâm chuyển đổi sang các giống mới (như LDP1, Kim Tuyên, Hương Bắc Sơn, TRI777, TRI5.0, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, PH1, PH12…), có thể đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, như chè xanh, chè xanh cao cấp, chè đen, chè ướp hương và sản phẩm tinh chất phục vụ chế biến thực phẩm, làm đẹp, dược liệu…

Những năm qua, ngành chè trong tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ nhờ việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh chè an toàn, đặc biệt là tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Bên cạnh đó, công nghệ tưới nước tiết kiệm cũng được ứng dụng rộng rãi. Nhờ những nỗ lực này, đã có trên 7.000 ha chè của tỉnh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bán tự động, 5.900 ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, mở ra cơ hội xuất khẩu và tiêu thụ trong nước với giá trị gia tăng cao. Điều quan trọng hơn cả là tư duy, phương pháp sản xuất của người trồng chè thay đổi theo hướng tích cực. Bà Đào Thị Thoi, HTX chè Tuất Thoi, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ cho biết: Chúng tôi đã dần thay đổi cách làm trong sản xuất, tăng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hữu cơ, giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho cây chè, mà còn có lợi cho sức khỏe của chính những người nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Sản phẩm Vkombucha của Công ty cổ phần Tập đoàn Vgreen

Trong chế biến, người làm chè đã ứng dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở còn ứng dụng công nghệ tự động hóa, đa dạng hóa sản phẩm, chế biến hồng trà, Matcha, Kombucha, trà lắc... với thành phẩm, bao bì, nhãn mác đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Điển hình như trà VKombucha do Sở Khoa học và Công nghệ hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Vgreen nghiên cứu sản xuất. Đây là loại trà lên men từ những lá trà Thái Nguyên thượng hạng, 100% thành phần tự nhiên, bao gồm 15 vị khác nhau, hoa quả tươi và thảo mộc được ủ cùng men Scoby theo công thức Kombucha độc quyền của Tập đoàn Vgreen. Chị Trần Thanh Việt, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Vgreen, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Với sản phẩm này, chúng tôi mong muốn góp phần lan tỏa thương hiệu, gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao vị thế của chè Thái Nguyên ngay trong thị trường nội địa và sẵn sàng cho các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế.

Để tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, thiết lập 55 mã vùng trồng chè với hơn 1.000 ha được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với cây chè. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 01 chỉ dẫn địa lý Tân Cương, 10 nhãn hiệu tập thể, 02 nhãn hiệu chứng nhận cho chè Thái Nguyên. Ngoài ra, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc); chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh, hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm trà của tỉnh, đồng thời hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế.

Trình diễn thử nghiệm ứng dụng UAV/Drone để phun tưới chè tại HTX chè Hảo Đạt

Không dừng lại ở đó, nắm bắt xu thế công nghệ 4.0, ngành chè Thái Nguyên đang hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, thông qua ứng dụng máy bay không người lái (UAV/Drone) trong hoạt động sản xuất. Tiêu biểu là mới đây, tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên đã có buổi trình diễn thử nghiệm ứng dụng UAV/Drone để phun tưới và vận chuyển chè. Đây là bước tiến quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững. Bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi được trải nghiệm công nghệ mới, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX cho biết: Các thiết bị bay không người lái hiện đại đã thể hiện khả năng vận chuyển chè từ đồi về điểm tập kết một cách nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, công nghệ phun tưới tự động với độ chính xác cao của Drone, có thể nhận diện địa hình, tự động điều chỉnh lượng nước và thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Tôi mong muốn sớm được ứng dụng trong thực tiễn các công nghệ số, công nghệ mới trong sản xuất chè để giúp người nông dân giảm sức lao động, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với việc tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè, thương hiệu chè Thái Nguyên tiếp tục được nâng cao, thị trường được mở rộng. Sản lượng chè qua chế biến toàn tỉnh đạt 54,6 nghìn tấn/năm; giá trị sản phẩm chè năm 2024 đạt 13,8 nghìn tỷ đồng, sản xuất chè cho hiệu quả cao hơn một số cây trồng khác; tổng khối lượng xuất khẩu chè đạt trên 1.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 1,6 triệu USD.

 

Đã có trên 7.000 ha chè của tỉnh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bán tự động

Để tiếp tục đưa ngành chè phát triển, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; triển khai ngay các đề tài nghiên cứu xác định thành phần các chất trong chè có lợi cho sức khỏe, công dụng của chè; các dự án khoa học, công nghệ đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ trà có chất lượng, giá trị cao; hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp đủ tầm trở thành đầu kéo, tăng cường liên kết sản xuất hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao, các thương hiệu trà chất lượng cao có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn có giá trị lớn; đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng; chú trọng quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên những kênh phân phối qua hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử; chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan hữu quan để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao cho xuất khẩu chè Thái Nguyên; tăng cường khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm gắn với văn hóa trà…

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn