Truy cập nội dung luôn

Xanh mát Hoàng Nông

Trước khi được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, anh Dương Văn Tuyên là một cán bộ lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, am hiểu nhà nông và phong trào nông thôn mới. Còn Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh - Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh thì rất yêu những vùng quê, thích khám phá cái mới. Tôi nghĩ đó là cơn cớ để cánh ham viết chúng tôi về Hoàng Nông - một địa chỉ gần đấy mà cũng xa đấy!

Một góc vùng chè Hoàng Nông.

Nói gần là vì Hoàng Nông cùng dựa lưng chung một dãy Tam Đảo, chỉ cách trung tâm huyện dăm bảy cây số. Nhưng xa thì bởi những khiêm nhường trong tự nói về mình, trong quảng giao của con người và hàng hóa nơi này…

Thấy một số hình ảnh Hoàng Nông trên mạng xã hội do anh chị em hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đưa lên, cựu chiến binh Đỗ Huy Du ở xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, viết: “Tuyệt vời khi ngắm nhìn những cảnh đẹp của Hoàng Nông, Đại Từ hôm nay… 43 năm trước mình đã ở đây gần 2 năm, khi Quân đoàn 3 do tướng Khuất Duy Tiến làm Tư lệnh của mình từ Tây Nguyên về đây đóng quân, sẵn sàng cho việc bảo vệ biên giới phía Bắc. Nơi này người dân tốt bụng, có bề dày lịch sử, có điều kiện để làm giàu…”.

…Hoàng Nông thời kháng chiến chống Pháp nằm trong Khu căn cứ địa ATK, đây là địa bàn đứng chân của các cơ quan, đơn vị Trung ương như Cục Quân huấn Trung ương, Báo Sự thật… Sau Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Nông và La Bằng có lúc cùng xã, tên là xã Chiến Đấu. Năm 1947, xã Chiến Đấu sáp nhập thêm 2 xã Tiên Sơn và Tân Mỹ, gọi là xã Hoành Sơn.

Sau đó, Hoàng Nông lại tách khỏi xã Hoành Sơn, lấy tên là xã Đoàn Kết. Từ năm 1975, Hoàng Nông ổn định tên gọi và cho đến nay gồm 14 xóm, với diện tích 2.753ha và dân số 5.500 người… Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Dương Văn Tuyên bảo: Đã viết về Hoàng Nông thì đầu tiên phải là nông nghiệp. Trong nông nghiệp thì cho tiền nhiều là cây chè và cây ăn quả. Trong đó, cây chè hiện có 433ha, sản lượng chè chế biến đạt 1.000 tấn… Lúa và ngô bình quân mỗi năm bà con trồng 275ha, cho ngót 1.700 tấn thóc, đủ để đáp ứng nhu cầu hằng ngày.

- Vậy Hoàng Nông có thể phát triển công thương nghiệp được không? Tôi hỏi anh Tuyên.

- Có nhưng tự thân thì khá vất vả - Anh Tuyên trả lời thế và nhấn mạnh thêm: Huyện và xã đều xác định tiềm năng đất rừng, nguồn nước, vùng tiểu khí hậu sẽ giúp Hoàng Nông. Tổng diện tích đất lâm nghiệp của Hoàng Nông là trên 1.863ha, trong đó bao gồm cả phần rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo...

Chúng tôi tới thăm những gia đình nông dân tại Hoàng Nông có kinh nghiệm trồng cây ăn quả và nhận thấy từ họ sự đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm. Thế mạnh của Hoàng Nông đã được xác định là cây chè - cây trồng mũi nhọn, chủ lực. Do đó, những năm qua xã tích cực chỉ đạo đưa các giống chè mới, có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó, các vườn cây ăn quả như bưởi, nhãn, vải, cam… ngày càng được mở rộng, tạo thành vùng cây ăn quả với diện tích trên 40ha.

Hoàng Nông tựa lưng vào dãy Tam Đảo điệp trùng, có những thế mạnh do thiên nhiên ban tặng, trong đó có nguồn nước tinh khiết từ trên núi đổ về. Một trong những cảnh đẹp nổi bật ở Hoàng Nông là suối Cửa Tử - địa điểm hấp dẫn, thu hút nhiều du khách. Trong những năm gần đây, một vài người thuộc giới trẻ đã khởi nghiệp bằng dịch vụ nghỉ dưỡng, homestay bên những đồi chè và tận dụng nguồn nước sạch từ dãy Tam Đảo.

Mặc dù mới phát triển nhưng các dịch vụ này đã được nhiều du khách xa gần biết đến, yêu thích. Việc phát triển du lịch không chỉ tạo thêm thu nhập, công ăn việc làm cho bà con trong xã mà còn là cơ hội để quảng bá rộng rãi nhiều sản phẩm của địa phương.

Những định hướng đúng đắn đã đem lại hiệu quả kinh tế tích cực. Một Hoàng Nông thanh bình, xanh mát và giàu có đã hiện hữu và đang tiếp tục khởi sắc.

Hữu Minh
baothainguyen.vn