Truy cập nội dung luôn

TP. Thái Nguyên đa dạng hóa sản phẩm từ cây chè

Thành phố Thái Nguyên có vùng chè Tân Cương nổi tiếng. Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, người trồng chè còn nghiên cứu cho ra thị trường nhiều sản phẩm từ cây chè.

Cán bộ chuyên môn TP. Thái Nguyên hướng dẫn người dân xã Phúc Trìu sản xuất chè theo hướng hữu cơ.

Cán bộ chuyên môn TP. Thái Nguyên hướng dẫn người dân xã Phúc Trìu sản xuất chè theo hướng hữu cơ

Đa dạng từ giống

Nếu như trước đây, chè Thái Nguyên chủ yếu được trồng bằng giống chè Trung du thì nhiều năm qua, bà con tập trung trồng các giống chè cành, như: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI777… Theo nhận xét của nhiều người “mê trà”, sản phẩm từ giống chè Trung du để lại vị ngọt hậu, đậm đà, với màu vàng óng như mật ong, còn các giống chè cành lại cho màu nước xanh trong, cốm ngậy.

Chị Nguyễn Thị Kiều, người kinh doanh chè, ở xóm Trung Tâm, xã Phúc Xuân, cho biết: Có rất nhiều khách hàng thích vị đậm của giống chè Trung du nhưng lại thích màu nước xanh của chè cành. Khi đó, chúng ta có thể trộn 2 loại chè với nhau, theo tỷ lệ 1-3 (1kg chè cành với 3kg chè Trung du). Sản phẩm hình thành đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, chất lượng vẫn đảm bảo.

Theo đánh giá của người trồng chè, giống chè Trung du trồng bằng hạt nên cây rất bền, có thể khai thác trong hàng chục đến hàng trăm năm. So với giống chè Trung du, các giống chè cành lại có ưu thế nổi trội là cho năng suất cao. Nếu như mỗi sào chè Trung du cho thu được 13-15kg chè búp khô/lứa thì giống chè cành có thể cho thu từ 18-20kg chè búp khô mỗi lứa.   

Với những ưu thế của từng giống chè, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của người dân, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vật tự, phân bón, giống, khoa học - kỹ thuật cho người trồng chè.

Thành phố đã xây dựng các đề án như: Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản tân Cương TP. Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP. Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025. Tổng kinh phí triển khai thực hiện 2 đề án là trên 21 tỷ đồng.

Vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 6 xã nằm ở phía Tây thành phố: Quyết Thắng, Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Phúc Hà, Thịnh Đức, với tổng diện tích trên 1.500ha.

Nhiều sản phẩm chất lượng

5 năm trở lại đây, ngoài chú trọng sản xuất, nâng cao chất lượng các loại chè búp khô, nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã đầu tư công nghệ hiện đại, nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm từ cây chè, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Gia đình bà Mai Thị Ánh là hộ tiên phong trong sản xuất bột trà xanh ở Tân Cương.

Gia đình bà Mai Thị Ánh là hộ tiên phong trong sản xuất bột trà xanh ở Tân Cương

Bà Mai Thị Ánh, ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, chia sẻ: Gia đình tôi làm bột trà xanh được khoảng 10 năm nay, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Nguyên liệu để sản xuất bột trà xanh thông thường là lá chè xanh được thu gom từ những diện tích chè bỏ hoang, không có thuốc bảo vệ thực vật. Còn loại bột cao cấp (hay còn gọi bột matcha trà xanh), thu hái từ những búp chè xanh bánh tẻ.

Hồng trà là dòng sản phẩm mới đang được nhiều đơn vị, hợp tác xã sản xuất. Khác với quy trình sản xuất trà xanh, hồng trà đòi hỏi phải có quá trình ủ lên men mất khá nhiều thời gian. Chị Hà Thị Mỵ, ở xóm Chợ, xã Phúc Trìu, cho biết: Tất cả sản phẩm hồng trà gia đình tôi đều sử dụng giống chè Trung du cổ. Về quy trình, so với sản xuất trà xanh, hồng trà khác ở giai đoạn làm héo lâu hơn; trà xanh diệt men thì hồng trà ủ lên men. Gia đình tôi đang sản xuất hồng trà với các vị hoa nhài, hoa cúc chi.

Giá trị được nâng cao

Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, TP. Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, như: vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng các giống mới năng suất, chất lượng cao; đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật…

Thành phố cũng đã phối hợp hỗ trợ chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, thành phố có 104 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, có 53 hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè…

Hiện nay, trên địa bàn TP. Thái Nguyên có khoảng 60-70% diện tích chè chăm sóc theo hướng VietGap, trong đó có 25-30% theo hướng hữu cơ.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Thái Nguyên có khoảng 60-70% diện tích chè chăm sóc theo hướng VietGap, trong đó có 25-30% theo hướng hữu cơ

Do triển khai đồng bộ các giải pháp, giá trị sản phẩm chè trên địa bàn TP. Thái Nguyên ngày càng được nâng cao. Nếu như trước đây, người trồng chè thường bán với giá vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/kg chè búp khô thì nay, giá bán được nâng lên gấp nhiều lần tùy từng loại.

Đơn cử, Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, đang bán các loại chè có giá từ 250 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng/kg. Riêng loại chè đinh sao tay truyền thống có giá bán lên tới 7 triệu đồng/kg. Hay sản phẩm bột trà xanh, hiện nay, nhiều hộ dân đang bán với giá từ 300-800 nghìn đồng/kg; hồng Trà bán với giá từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg…

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến, giá trị sản phẩm cây chè ngày càng được nâng cao. Hiện nay, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè kinh doanh trên địa bàn TP. Thái Nguyên đạt trên 900 triệu đồng/ha, phấn đấu đến hết năm 2025, đạt hơn 1 tỷ đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, cho biết: Định hướng lâu dài của thành phố là tiếp tục nhân rộng diện tích chè theo hướng hữu cơ. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã triển khai nhiều mô hình sản xuất chè hữu cơ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nhân rộng diện tích. Trên thực tế, có rất nhiều bà con ở các địa phương trồng chè không tham gia mô hình nhưng đã sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt từ rất lâu.


baothainguyen.vn