Truy cập nội dung luôn

Thị trấn Sông Cầu - Huyền thoại một vùng chè

Nhắc tới Thái Nguyên là nhắc tới vùng đất của tứ đại danh trà: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương). Thế nhưng, Thái Nguyên còn có một vùng chè thơ mộng mang tên dòng Sông Cầu vẫn đang tỏa hương, đi từ huyền thoại đến sức sống mới hôm nay.

Một phần diện tích vùng chè nguyên liệu tại thị trấn Sông Cầu

Những bậc cao niên ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đến nay vẫn giữ những gốc chè cổ có tuổi đời từ 40 - 50 năm. Cây chè cổ nơi đây là hiện thân của một giai đoạn lịch sử đầy hào hùng và vinh quang. Từ những năm 1960, thị trấn Sông Cầu từng là một nông trường chè nức tiếng trong và ngoài nước. Công nhân nông trường vượt qua khó khăn, thử thách vừa sản xuất, vừa chi viện, vừa chiến đấu. Những năm 1972, khi Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước “Mỗi công dân phải là 1 chiến sĩ kiên cường chống Mỹ cứu nước, Mỗi xí nghiệp, công trường, nông trường, hợp tác xã, cơ quan, trường học, đường phố phải là một chiến hào sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động phiêu lưu quân sự của giặc Mỹ và tay sai”. Thời điểm đó, nông trường đã sơ tán xưởng chế biến 3 tấn chè khô/ngày vào hang đá, chuyển chế biến sang thủ công. Đó chỉ là một trong số rất nhiều những giai thoại lịch sử đầy hào hùng chứng minh về một vùng chè đầy sức sống từ ngay trong gian khó, chiến tranh.

Sản lượng chè búp tươi đạt trên 4 nghìn tấn/năm

Hào hùng nhiều chứng tích, nhưng cũng có những giai đoạn, tư duy và cách thức sản xuất, làm ăn truyền thống không còn phù hợp với kinh tế thị trường. Nông trường đổi thành Công ty chè Sông Cầu với những hy vọng về sự thay đổi và vực dậy một thời vàng son của cây chè. Thế nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. Những công nhân tay nghề cao, nay cũng trở về làm ăn nhỏ lẻ. Đã có những vạt chè mênh mông ngày ấy được chuyển đổi trồng cây ngắn hạn, cũng có diện tích bị bỏ hoang. Thế rồi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các vùng chè lân cận với tư duy và cách làm mới, cái tên chè Sông Cầu dần mờ nhạt. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Sông Cầu bùi ngùi nhớ lại: “Thời kỳ thịnh vượng, chỉ cần đi đến đầu thị trấn đã ngửi được mùi thơm của chè khô, những nương chè lúc nào cũng tấp nập người hái. Những chiếc xe chở hàng cỡ lớn xếp thành hàng dài chờ thu mua chè, nhờ đó mà đời sống của bà con cũng khấm khá”

Từng là công nhân của Công ty chè Sông Cầu, ông Hoàng Xuân Thủy, ở tổ dân phố 9, thị trấn Sông Cầu trăn trở khôn nguôi với việc làm sao để vực dậy sức sống cho một vùng chè từng là “huyền thoại”. Không giống như nhiều người khác sau khi rời nhà máy, lập tức chuyển đổi nghề nghiệp, ông Thủy vẫn bám trụ với cây chè, miệt mài, cần mẫn đi học hỏi các kỹ thuật mới, cách thức chế biến mới. Chỉ về những nương chè nối tiếp nhau phía xa xa, ông Thủy chia sẻ: Chúng tôi tự hào về vùng quê của mình, nơi cây chè từng đi khắp muôn nơi, dù đã trải qua những thăng trầm, nhưng mọi người đều tin rằng, việc phát triển cây chè đã dần đúng hướng. Cây chè sẽ không chỉ là giúp giảm nghèo, mà còn làm giàu cho Nhân dân địa phương”.

Người dân thị trấn Sông Cầu chăm sóc và thu hái trên diện tích chè nguyên liệu

Với quyết tâm cao của chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của Nhân dân, nhiều mô hình khuyến nông về sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị giá tăng và phát triển bền vững đã được triển khai rộng rãi tại thị trấn Sông Cầu. Từ tư duy sản xuất cũ, người dân đã tiếp cận cách thức làm chè sạch, an toàn. Nhằm nâng cao giá trị cho cây chè, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và người dân thành lập được 3 HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh chè và sản phẩm trà. Tổng diện tích trồng chè hiện nay của thị trấn Sông Cầu là 338 ha, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ là 50 ha. Sản lượng chè búp tươi đạt 4.200 tấn/năm, thị trấn phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% chè được trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu cho biết: Chúng tôi khuyến khích và đồng hành cùng người dân để tạo ra những sản phẩm riêng có của thị trấn Sông Cầu. Hiện nay, một hợp tác xã trên địa bàn thị trấn đã khôi phục và sản xuất sản phẩm chè đen, từng là sản phẩm chủ lực của nông trường chè khi xưa. Khi quảng bá ở các thị trường nước ngoài, sản phẩm này nhận được phản hồi rất tích cực. Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai cho các cấp hội phụ nữ, hội nông dân trồng hoa xung quanh những vạt chè với kế hoạch trong thời gian tới sẽ xúc tiến thúc đẩy du lịch nông thôn, trải nghiệm vùng chè và làm trà tới du khách gần xa.

Thị trấn Sông Cầu được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu hiền hòa, địa hình đồi núi thoai thoải tạo nên những nương chè bát úp đẹp thơ mộng. Chúng tôi tin rằng, ở một tương lai không xa, trên những nương chè, ngoài nét đẹp của sự hăng say lao động sản xuất của người nông dân, sẽ còn có cả bước chân của những du khách gần xa ghé thăm, thưởng ngoạn và trở thành những “đại sứ du lịch” của một vùng chè huyền thoại đang thức dậy đầy mạnh mẽ.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn