Truy cập nội dung luôn

Thao thức một vùng chè

Phú Đô (Phú Lương) là một trong những địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè phát triển. Xóm Phú Nam 1 (nay là Phú Nam Mới) nằm trong vùng thổ nhưỡng đó. Theo lời kể của các bậc cao lão: Cây chè có trên đất này từ rất lâu, nhưng đem lại cơm, áo cho cư dân bản địa chừng 70 năm nay. Rồi vẫn trên đất này, những năm gần đây cây chè được “lên hương” bởi nhọc lòng bao nông dân thao thức.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1

Từ trụ sở UBND xã nhìn sang bên đường là chợ Phú Đô. Xa hơn chút nữa có ngôi nhà khang trang: “Đại bản doanh” của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1. Đây là địa chỉ để thành viên HTX và thương nhân trong vùng đến giao lưu, thưởng trà và mua bán chè.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX bắt đầu câu chuyện về cây chè và cuộc sống của người dân Phú Nam. Theo lời bà thì để cây chè “lên đời” như hiện nay, tức cây “hái ra tiền” là nhờ Dự án Làng mới Saemaul (Hàn Quốc) hỗ trợ về kinh tế, bao gồm cả những lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, về hạ tầng cơ sở cho người dân ổn định cuộc sống, làm ra sản phẩm chè có giá trị kinh tế cao hơn.

Chủ tịch UBND xã, ông Phùng Thanh Hà cho biết: Người Phú Nam đã thực sự làm nên thương hiệu chè của mình bằng chất lượng sản phẩm. Nhờ đó chè có giá bán cao hơn so với cách làm cũ, vốn lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Một trong những cơ sở sản xuất, chế biến chè tiên phong chính là HTX Phú Nam… Bà Hoàng cho biết thêm: “Phú Nam đứng vững và mở rộng thị trường bằng nguyên tắc sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP. Chúng tôi đã mang sản phẩm của mình đến một số hội chợ lớn ở Hà Nội và Trung Quốc để quảng bá. Hiện HTX đang sản xuất, chế biến ra gần chục mẫu sản phẩm khác nhau, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 1 sản phẩm OCOP 4 sao”.

Bên ấm trà, câu chuyện giữa chúng tôi cứ ríu ran về sự đổi mới tư duy sản xuất của người nông dân vùng chè. Minh chứng ở ngay trong không gian trưng bày sản phẩm của HTX. Đó là những mẫu sản phẩm được đóng gói, hút chân không. Hơn 10 năm về trước, đó là một “xa xỉ”, lãng phí không cần thiết. Theo bà Nguyễn Thị Lương: Trước đây nông dân chúng tôi làm chè sao suốt, đóng bao tải, mang ra chợ bán với giá… bèo bọt. Nay sản phẩm làm ra đóng túi đẹp, có nhãn mác, ghi rõ địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng. Chè có giá bán bình quân từ 300 - 400 nghìn đồng/kg. Trước đây nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ đến giá ấy. 

Ngoài 14 thành viên chính thức, HTX còn có hàng chục hộ vệ tinh tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP. Hiện, HTX ổn định diện tích chè nguyên liệu đang cho thu hái hơn 47 ha, chủ yếu giống chè trung du và chè lai; có 15 ha được chăm sóc, thu hái, chế biến theo quy trình VietGAP; hơn 12 ha được cấp mã số vùng. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất chè búp tươi đạt hơn 100 tạ/ha, sản lượng đạt gần 500 tấn/năm, tương đương với 100 tấn chè búp khô. Với giá bán bình quân 300 nghìn đồng/kg, tổng doanh thu từ chè của HTX đạt 30 tỷ đồng.

Nông dân xóm Phú Nam Mới giúp nhau thu hái chè

Nhìn những vạt chè nối nhau xắp hàng chạy tít tắp, búp nhú lên khoe màu diệp lục khẳng định sức sống bời bời. Ở giữa từng lõng chè có giàn tưới luôn sẵn sàng mang nước ngược đồi đáp ứng cho cây đủ độ ẩm. Tận lúc này tôi mới hiểu rõ hơn về quy trình làm chè an toàn của người Phú Nam. Vào HTX, nhưng từng hộ chủ động sản xuất. Còn HTX đứng ra hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. HTX cũng đảm nhận vai trò quản lý toàn bộ bao bì, mẫu sản phẩm cũng như tem truy xuất nguồn gốc. Các thành viên và hộ liên kết có thể hỗ trợ nhau trong các khâu sản xuất như thu hái, chế biến chè đúng “khung giờ vàng”.

Trở lại “đại bản doanh” của HTX Phú Nam, chúng tôi được nghe bà con trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, như chè đinh, chè tôm nõn, chè hảo hạng đặc biệt… Tôi biết, đó không còn là giấc mơ xa vời với người dân một vùng chè. Hơn nữa, sau tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đi thăm quan các vùng chè trong, ngoài tỉnh. Nhiều người tự hào được đến những vùng núi chất ngất của Hàn Quốc để xem nông dân nước bạn làm chè. Qua đó bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thay vì lấy số lượng như trước đây bằng coi trọng chất lượng sản phẩm.

Khách thăm quan, học hỏi kinh nghiệm quy trình sản xuất chè an toàn của HTX

Tư duy sản xuất, chế biến chè của bà con nông dân thay đổi. Các hộ thành viên HTX và bà con tích cực sử dụng phân vô cơ, phân xanh, sử dụng thuốc thảo mộc sinh học bảo vệ cây chè. Công việc chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hái đều được ghi chép vào nhật ký. Những thao thức, trăn trở, quyết tâm thay đổi cách thức sản xuất từ mỗi gia đình, cụm dân cư và HTX đã làm đất đai Phú Nam được “hồi phục sức khỏe", giàu độ mùn và chất dinh dưỡng nuôi lớn những búp chè. Chính vì thế cây chè có tuổi thọ cao hơn. Và hơn thế nữa, năng suất, chất lượng chè được nâng cao, sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng bảo đảm.

CTV Ngọc Mai
thainguyen.gov.vn