Thái Nguyên khẳng định vị thế “Đệ nhất danh trà”
2025-02-26 21:13:00.0
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên
Khẳng định vị thế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Đời sống và Pháp luật, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết: Chè là cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi và phù hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển, người dân có truyền thống, kinh nghiệm trồng và chế biến ra những sản phẩm trà có chất lượng cao; cây chè ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh đối với cây chè, trong những năm qua, các cấp, các ngành của Thái Nguyên đã tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành chè và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, ngày 03/02/2025, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030.
Nhiều chính sách được ban hành và triển khai có hiệu quả như: Hỗ trợ phân bón hữu cơ, sinh học; hỗ trợ chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và thiết bị trong chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm trà…
Hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 22,2 nghìn ha chè
Thái Nguyên là tỉnh có diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập từ cây chè lớn nhất toàn quốc. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha chè, 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao (trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao); giá trị sản phẩm trà đạt 13,8 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Bí thư tỉnh Thái Nguyên cho biết ngành chè Thái Nguyên vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng, lợi thế, giá trị của cây chè; sản xuất nông hộ chiếm tỷ trọng lớn; quy mô sản xuất của hợp tác xã, doanh nghiệp còn nhỏ; liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các nông hộ còn chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến còn hạn chế; sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu vẫn là sản phẩm trà xanh truyền thống; sự kết nối, quảng bá về sản xuất, chế biến, kinh doanh chè và văn hóa trà để củng cố, nâng cao thương hiệu, hiệu quả sản xuất còn chậm.
Bí thư tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển ngành chè gắn với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; đẩy mạnh sản xuất an toàn, hữu cơ gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao. Thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên theo hướng tích hợp đa giá trị của trà; xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Phấn đấu tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đến năm 2030 đạt 25 nghìn tỷ đồng.
Chế biến chè theo phương thức truyền thống tại Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên)
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đang tập trung nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các vùng chè trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng chè Tân Cương nói riêng gắn với nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên. Xây dựng hệ tri thức về văn minh trà và văn hóa trà Thái Nguyên trên cơ sở phát triển “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; song song với đó lập hồ sơ trình công nhận cây chè cổ tỉnh Thái Nguyên là “Cây di sản Việt Nam”.
Với quy mô diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, cùng các vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi chất lượng cao và những chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn đủ điều kiện và là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chế biến chè, tiêu thụ sản phẩm trà Thái Nguyên, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, trà Thái Nguyên được nhiều người ưa thích lựa chọn là thức uống, món quà tặng có giá trị cao.
Người dân vùng chè đặc sản Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đầu tư thiết bị trong chế biến chè
Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa
Năm 2011, năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam. Liên hoan diễn ra từ ngày 11 - 15/11/2011 với chủ đề “Trà Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế - Nơi gặp gỡ, giao lưu với nhiều danh trà thế giới”.
Liên hoan có sự tham gia của 30 đoàn trà các tỉnh có thế mạnh về cây chè, chế biến chè; 25 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu chè; 50 làng chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên; đoàn trà ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng các sản phẩm chè và nhập khẩu các sản phẩm chè của Việt Nam.
Tiếp nối những thành công của Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011, đến năm 2013, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tổ chức Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, với chủ đề "Trà Việt thăng hoa và khởi sắc”; năm 2015, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ ba với chủ đề “Tinh hoa trà Việt”.
Lễ khai mạc Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ III, năm 2015
Các hoạt động diễn ra tại Liên hoan và Festival trà đã giúp du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của người Việt Nam nói chung và người Thái Nguyên nói riêng; tăng cường quảng bá về đất và người Thái Nguyên, nhất là về kinh tế chè và văn hoá trà; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, giao thương giữa các vùng trồng chè trong nước và quốc tế; tạo sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư xúc tiến hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, đặc biệt là phát triển sản xuất, chế biến chè và tiêu thụ sản phẩm trà.
Sự kiện cũng là dịp để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa người trồng, sản xuất chế biến chè với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chè trong nước và quốc tế, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với cây chè và sản phẩm trà Việt Nam; là dịp để tôn vinh cây chè, sản phẩm trà và người trồng chè... Qua đó khẳng định vai trò của cây chè và văn hóa trà Việt, thúc đẩy sản xuất chuyên canh, tập trung, thu hút các nhà đầu tư, xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành chè Thái Nguyên, Việt Nam. Liên hoan và Festival trà Thái Nguyên còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam, con người xứ trà.
“Sau 3 lần tổ chức Liên hoan và Festival trà, dự kiến cuối năm 2025, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội trà với quy mô lớn chào mừng đại hội đảng bộ các cấp… Từ đây, thương hiệu “Trà Thái Nguyên”, giá trị cây chè cũng như sản phẩm trà của Thái Nguyên đã ở vị thế mới” - Bí thư tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho hay.
* Tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Trăm năm đệ nhất danh trà”
thainguyen.gov.vn