Truy cập nội dung luôn

Sắc xanh trên những nường chè

Trở lại xã Phú Đô, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của miền đất bán sơn địa thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Phú Lương. Nơi đây, cây chè có thâm niên bám rễ gần 50 năm, đang phát triển mạnh, trở thành cây trồng mũi nhọn của xã, với diện tích trên 500 ha.

Ảnh: Xuân Huy

Trở lại xã Phú Đô, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của miền đất bán sơn địa thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Phú Lương. Nơi đây, cây chè có thâm niên bám rễ gần 50 năm, đang phát triển mạnh, trở thành cây trồng mũi nhọn của xã, với diện tích trên 500 ha.

Một trong những điểm sáng về sản xuất, chế biến và kinh doanh chè của xã Phú Đô là Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1. Hợp tác xã được thành lập ngày 13/11/2017 trong khuôn khổ Dự án Làng thí điểm nông thôn mới Saemaul Phú Nam 1.

Những luống chè uốn lượn, biếc nõn tạo khung cảnh huyền diệu. Diện tích chè của xóm phần lớn bao quanh những nếp nhà tươi màu sơn mới, hoặc trải rộng sườn đồi san sát như bát úp, tạo nên bức tranh sống động, tươi mát.

Trưa muộn, mặt trời tung nắng nóng, nhưng các hộ gia đình xóm Phú Nam 1 vẫn mải miết thu hái, cắt cành và chăm bón chuẩn bị cho vụ chè mới. Bà con trong xóm tâm sự: Trước đây, do chưa biết lựa chọn giống chè và đầu tư về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến… nên giá trị kinh tế chè thấp, số hộ trồng chè không nhiều. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hiện nay cây chè là cây làm giàu của người dân địa phương, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Các làng nghề chè của xã Phú Đô tham gia Hội thị " Bàn tay vàng" tại Lễ vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương lần thứ nhất năm 2017 ( Ảnh: Xuân Huy)

Xóm Phú Nam 1 có 60 hộ gia đình trồng chè. Diện tích thu hoạch 47ha, trong đó 15ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng bình quân đạt 12 tấn chè búp tươi/năm. Giống chè trồng ở đây bao gồm: Thúy Ngọc, chè lai LDP1, chè Trung du, nhưng nhiều nhất là TRI 777. Các loại chè này ưu điểm tỷ lệ sống cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng tốt điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương. Cây sinh trưởng khỏe, mật độ búp dày và mập, thích hợp chế biến chè đặc sản.

Toàn bộ diện tích chè được trang bị giàn tưới tự động. Mô hình sản xuất chè theo phương thức hộ gia đình và đượchợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và quản lý mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc.

5 năm qua, Phú Nam 1 được đầu tư 14 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích trồng chè, xây dựng giàn phun nước tưới, nhà văn hóa xóm, phòng làm việc của hợp tác xã, hệ thống cân và máy hút chân không. Trong đó, khu nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm chè trị giá 2,6 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khu chế biến chè tập trung của hợp tác xã cũngđang gấp rút hoàn thành.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương Mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 cho biết: Dự án Saemaul Hàn Quốc giúp nhiều làng nghề phát triển, đời sống kinh tế - xã hội được nâng lên. Saemaul Phú Nam 1 sản xuất 7 loại chè: Phú Nam trà đinh, trà tôm nõn đặc biệt, trà tôm nõn đặc sản, kim ngọc trà, trà móc câu đặc biệt, trà móc câu đặc sản và trà xanh đặc sản.

Hợp tác xã hướng dẫn các hộ gia đình trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt quy định kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến, đảm bảo sản xuất chè sạch, an toàn. Hợp tác xã cung ứng phân hữu cơ NTT của Trường Đại học Nông Lâm cho các hộ trồng chè… Thời gian tới, bên cạnh việc tăng diện tích trồng chè mới, tập trung hướng dẫn các hộ xã viên lựa chọn giống chè chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sản xuất chè hữu cơ.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để nâng cao sản lượng thu mua, tiêu thụ chè cho bà con nông dân, chị Nguyễn Thị Hoàng hồ hởi, nói:Hợp tác xã tích cực quảng bá, giới thiệu sản sản phẩm Phú Nam 1 bằng nhiều hình thức: Tham gia hội chợ, lễ hội, lễ vinh danh làng nghề của huyện và tỉnh, đồng thờiquảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ Phú Xuyên, Vân Từ (Hà Nội) và sang hội chợQuảng Châu (Trung Quốc) tìm kiếm khách hàng...

Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã trăn trở: Việc tiêu thụ sản phẩm của Saemaul Phú Nam 1 còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa có những đầu mối tiêu thụ và các hợp đồng lớn với bạn hàng. Hy vọng tòa nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm trà và khu chế biến sản phẩm tập trung đi vào hoạt động, sẽ tạo điều kiện cho trà Saemaul Phú Nam 1 có nhiều cơ hội đến với những thị trường mới, tiềm năng hơn.

Chứng kiến sự phát triển của vùng chè nơi đây, trong không gian trong lành, ấm áp, thưởng thức chén trà thơm đượm, màu vàng xanhcó vị ngọt, lắng sâu… tôi tin hương vị trà Saemaul Phú Nam 1sẽ ngày càng lan tỏa, bay xa.

Ngắm nhìn bạt ngàn nương chè ngời ngợi xanh mướt dưới nắng, chúng tôi hòa chung niềm vui cùng bà con nông dân xóm Phú Nam 1, trước thành quả bước đầu tạo dựng. Giữa nắng gió, sắc chè vẫn ngời rạng tươi xanh thẫm đẫm tình đời, tình người quê núi, chúng tôi biết, một ngày không xa, nơi đây sẽ trở thành vùng chè nổi tiếng, sánh bước cùng các vùng chè Tân Cương, La Bằng… làm nên thương hiệu Trà Thái Nguyên nức tiếng gần xa.

Phan Thái (CTV)
thainguyen.gov.vn