Nâng cao giá trị sản phẩm chè Phú Lương
29-11-2024 16:21
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tham gia hái chè cùng bà con Nhân dân xã Tức Tranh, huyện Phú Lương
Với thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè. Trước đây, bà con chủ yếu trồng giống chè trung du với phương pháp sản xuất, chế biến thủ công, chưa thực sự quan tâm nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vì thế, giá trị sản phẩm trà chưa cao. Từ năm 2005, nhận thấy giá trị kinh tế của cây chè đem lại, được sự định hướng của UBND huyện, chính quyền xã Tức Tranh đã vận động, tuyên truyền người dân cải tạo giống chè trung du già cỗi bằng các giống chè cành có năng suất cao. Đến nay, tổng diện tích chè giống mới của xã đã tăng lên trên 860 ha, chiếm hơn 78% tổng diện tích chè của địa phương.
Anh Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trà An Thái, xã Tức Tranh chia sẻ: "Gia đình tôi có truyền thống trồng và chế biến chè từ những năm 1998. Đến nay tổng diện tích chè của gia đình là 1,5 ha, sản lượng chè đạt bình quân năm là 122,5 tạ/ha. HTX có 7 thành viên, sản xuất theo hướng hữu cơ. Khi chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ, các hộ trong HTX đã sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng sinh học; tiến hành ủ phân chuồng hoai mục để bón cho chè. Các vùng sản xuất được tạo vùng đệm cách ly đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn; từng bước giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm bằng cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc. Bên cạnh đó, hệ sinh thái nương chè có sự thay đổi, môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện. Các thành viên được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ký kết hợp đồng đầu tư vật tư phân bón để nhất quán phương thức sản xuất".
Cũng theo anh Hùng, việc trồng và chế biến chè theo hướng hữu cơ đem lại nhiều giá trị và lợi ích, trước tiên là cho người trồng và chế biến, sau là đến các thực khách. Nói về dự định trong thời gian tới, anh Hùng cho biết, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng phương thức kinh doanh dựa vào khách hàng trực tiếp tại xưởng chế biến và khai thác qua sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Voso, Postmart, qua mạng xã hội Zalo, Facebook…
Anh Tống Văn Viện, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông sản Phú Lương kiểm tra quy trình sản xuất chè an toàn VietGAP
Rời xã Tức Tranh, chúng tôi đến thăm HTX Nông sản Phú Lương, xã Ôn Lương. Đây là một đơn vị tiên phong trong sản xuất, chế biến chè hữu cơ tại địa phương. Với niềm tin về nông nghiệp sạch, HTX đã vươn lên phát triển và đang dần khẳng định thương hiệu của mình. Tiếp đón chúng tôi là anh Tống Văn Viện, người dân tộc Tày, hiện là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX. Anh Viện dẫn chúng tôi đi thăm quan các khu trồng, chế biến chè và mời chúng tôi thưởng thức trà tại không gian văn hóa trà của HTX. Vừa trò chuyện, anh vừa chậm rãi châm nước vào ấm trà. Hơi nóng bốc lên lan tỏa vào không gian mùi cốm non dìu dịu. Trong chiếc chén sứ trắng, màu vàng óng của nước trà càng thêm nổi bật. Nâng chén trà nóng hổi lên môi, hương thơm đặc trưng phảng phất mùi cốm non, vị ngọt bùi đậm đà và sâu lắng của trà đã khiến khứu giác tôi bừng tỉnh.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập HTX, anh Viện bộc bạch: "Trước đây, bà con ở địa phương chủ yếu trồng chè theo cách truyền thống. Thời điểm đó, do chưa xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm trà làm ra tiêu thụ kém, giá thành lại thấp. Ngay sau khi thành lập, HTX đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 6 ha chè hữu cơ trên đất đồi. Sau nhiều năm chăm sóc và mở rộng, đến nay, HTX đã và đang liên kết với nhiều hộ dân xung quanh trồng, chế biến chè theo hướng hữu cơ, tập trung vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch. Thông qua việc đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng cộng với vận dụng linh hoạt những kiến thức học hỏi được từ nhiều vùng chè nổi tiếng và tuân thủ, áp dụng đúng cách quy trình trồng trọt, chế biến mà chất lượng và giá trị sản phẩm trà của HTX ngày càng được nâng cao. “HTX đang phấn đấu mở rộng diện tích chè hữu cơ, do đó chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ bà con về kỹ thuật, bảo hộ thương hiệu và xúc tiến thương mại” - Anh Viện chia sẻ thêm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương có trên 4.100 ha chè, trong đó diện tích chè được chứng nhận VietGAP là trên 1.100 ha, chè giống mới chiếm gần 70% tổng diện tích chè, với các giống chủ yếu là LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Long Vân... Toàn huyện có 44 làng nghề chè, 25 HTX.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương có trên 4.100 ha chè, trong đó diện tích chè được chứng nhận VietGAP là trên 1.100 ha
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Lương cho biết: Thời gian quan, Phòng NN&PTNT Phú Lương đã tham mưu hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp về phân bón hữu cơ, thiết bị để phục vụ sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm trà; khuyến khích các HTX không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các HTX đã đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm... Hiện, Phòng đã tham mưu hỗ trợ cấp mới, cấp lại trên 1.200 ha chè chứng nhận VietGAP, trên 68 ha mã vùng trồng cho cây chè. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận VietGAP, mã số vùng trồng đối với diện tích chè đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu.
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của chính quyền và sự nỗ lực của người dân, trong thời gian tới thương hiệu chè Phú Lương nói riêng và chè Thái Nguyên nói chung sẽ tiếp tục được nâng lên tầm cao mới.
thainguyen.gov.vn