Khai mở tiềm năng du lịch ở vùng chè Đồng Hỷ
2024-06-23 16:10:00.0
Du khách trải nghiệm tại vùng chè Văn Hán (Đồng Hỷ)
Sản xuất chè hữu cơ, xu hướng phát triển bền vững
Người tiêu dùng ngày càng nhận thức cao hơn về tác động của hóa chất độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Thị trường quốc tế và các nước phát triển cũng luôn yêu cầu khắt khe về các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ và bảo vệ môi trường. Việc sản xuất chè hữu cơ giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy phát triển bền vững. Đồng Hỷ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung đã và đang chuyển đổi từ sản xuất chè truyền thống sang hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã Thái Minh lựa chọn chè giống để trồng mới theo tiêu chuẩn hữu cơ
Đồng Hỷ hiện có gần 4.000 ha chè nguyên liệu, trong đó các vùng trồng chè chủ lực như: Văn Hán, Khe Mo, Minh Lập, Hóa Trung, thị trấn Sông Cầu đã được gắn mã định vị trên hệ thống GPS toàn cầu nên người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cứu nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngoài ra, địa phương có 10 làng nghề chè truyền thống, 7 HTX sản xuất, chế biến chè với 22 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX Thái Minh, xã Văn Hán cho biết: Chúng tôi đã lựa chọn hướng sản xuất chè hữu cơ để cho ra các sản phẩm trà chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đa dạng mẫu mã, sản phẩm và tập trung xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Bản Tèn (Đồng Hỷ) có điều kiện khí hậu mát mẻ, cảnh quan tự nhiên đẹp nên có tiềm năng lớn phát triển du lịch
Khai mở tiềm năng về phát triển du lịch
Không chỉ thuận lợi phát triển cây chè, Đồng Hỷ còn được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh quan và chứng tích lịch sử. Bản Tèn với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ được ví như Sapa thu nhỏ của Thái Nguyên; Suối Tiên - nơi có dòng suối tự nhiên chảy dài hàng cây số, đỉnh dòng chảy có hang động và thác nước rất đẹp. Cùng với đó những đồi chè bát úp chải dài hàng chục km. Đồng Hỷ cũng là vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến; các giá trị văn hóa, lịch sử đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Đó là những tiềm năng to lớn để địa phương có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm vùng chè, du lịch sinh thái cộng đồng.
Đồng Hỷ là huyện có vùng nguyên liệu chè đặc sản lớn của tỉnh. Giống chè trung du khi được trồng, chăm sóc, chế biến đúng kỹ thuật đã làm ra sản phẩm đặc biệt, có giá trị rất cao như trà đinh, trà tôm nõn giá trị cao gấp 5 - 10 lần so với thông thường. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ cho biết: Ngoài việc mở rộng diện tích trồng chè, huyện đã chỉ đạo ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ; đồng thời kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm làng nghề chè để giới thiệu, quảng bá và phát triển thương hiệu chè Đồng Hỷ, có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu trà khác và vươn ra thị trường quốc tế…
Đồng Hỷ là huyện có vùng nguyên liệu chè đặc sản lớn của tỉnh Thái Nguyên
Trên thực tế, nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế đối với các sản phẩm chè của Thái Nguyên làm quà tặng ngày càng tăng, có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, gu uống trà xanh Thái Nguyên chưa phổ biến trên thế giới, nên việc tăng cường giới thiệu, quảng bá về sản phẩm trà và văn hóa trà thông qua các sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Với địa hình nhiều đồi núi thoai thoải, khí hậu trong lành mát mẻ, lý tưởng cho cây chè phát triển, cùng với hệ thống hang động, suối nước và văn hóa bản địa, Đồng Hỷ đã và đang có hướng đi đúng về phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó cây chè là chủ lực sẽ khai mở những tiềm năng để phát du lịch và thương hiệu chè của địa phương.
Thainguyen.gov.vn