Chuyện như cổ tích ở Khe Mong
20-09-2024 19:01
Người dân Khe Mong thu hái chè
Lần đầu tiên đến Khe Mong, chúng tôi ngỡ ngàng như lạc vào không gian của một miền cổ tích. Vẻ đẹp thiên nhiên vùng cao được bàn tay con người cần mẫn tạo tác ánh lên nét thần phác, tinh khôi. Nụ cười tỏa nắng của các chàng trai, cô gái dân tộc chào khách lạ khiến bước chân chúng tôi không khỏi giăng ríu.
Xóm Khe Mong mới sáp nhập từ 2 xóm Khe Cạn và Khe Mong, hiện có 116 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, chỉ có hai người Kinh từ nơi khác về lấy vợ và ở lại sinh sống. Khe Cạn có 45 hộ đều là đồng bào dân tộc Mông.
Các bậc cao niên kể: Các hộ dân tộc Dao, Tày, Nùng sống ở đây từ rất lâu đời. Người Mông chủ yếu di cư từ Cao Bằng xuống trong những năm 79 - 80 của thế kỷ trước. Xưa kia cuộc sống của bà con gắn liền với cái cuốc, cái gùi, canh tác theo tập quán cũ, tự sản tự tiêu. Ruộng nương sau khi phát dọn cỏ và đốt, bà con cuốc hố trồng sắn hoặc tra thóc, ngô làm mùa. Đường giao thông tới xóm hồi đó chỉ là con đường đất nhỏ hẹp cấp phối đá dăm, bà con nuôi được lợn, gà, hay có hoa quả phải gánh qua núi đi bán để mua vật dụng sinh hoạt.
Từ năm 1980 một số hộ đã trồng chè từ hạt, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên năng suất đạt thấp. Nhiều hộ dân không mặn mà với trồng chè do các khâu trồng, chăm sóc, chế biến đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, quy trình sản xuất nghiêm ngặt và hoàn toàn mới mẻ với đồng bào dân tộc. Khao khát thay đổi cuộc sống, nhưng cây ngô, cây sắn và nề nếp canh tác cũ không thể giúp đồng bào ở Khe Mong làm giàu.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã vận động người dân phát triển cây chè, có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con về cơ sở vật chất, giống, vốn, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất. Từ một số hộ trồng chè cho thu nhập khá, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn đất tạp, tích cực tham gia các lớp tập huấn và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo hướng đi mới cho cây chè.
Một góc xóm Khe Mong
Ban đầu giống chè đưa vào trồng tại Khe Mong là chè trung du. Trên cơ sở xác định năng suất, chất lượng, bà con dần chuyển đổi sang các giống chè mới. Hiện xóm trồng chủ yếu chè lai F1, Tri 777, Long Vân, Kim Tuyên. Những loại chè đó thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, cây sinh trưởng khỏe, thân dạng tán, cành nhiều, mật độ búp dày và mập.
Việc lựa chọn chè là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của Khe Mong đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán canh tác và cuộc sống của bà con. Do cây chè mới phát triển mạnh, cơ sở chế biến đã thu mua sản lượng chè búp tươi với giá cả phù hợp, nên diện tích trồng chè từng bước được mở rộng. Một số gia đình đã đầu tư lò quay, máy vò chè để chế biến, nhờ đó công lao động giảm, sản phẩm có chất lượng cao hơn.
Đến nay, xóm Khe Mong có 29 ha chè kinh doanh, trong đó có 5 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Số hộ trồng chè chiếm trên 80% tổng số hộ của xóm. Từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ theo các hộ gia đình, bà con đã hình thành được các nhóm theo mô hình tổ hợp tác, giúp nhau về kỹ thuật trồng, chế biến, đổi công thu hái, cùng nhau thực hiện các biện pháp an toàn để cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt nhất ra thị trường. Ngày 30/01/2024, bà con xóm Khe Mong đã tổ chức đón Bằng công nhận làng nghề chè.
Tiếp xúc với bà con Khe Mong, chúng tôi được nhiều người bày tỏ và viện dẫn những minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó vươn lên để đổi đời, khẳng định một kỳ tích về tạo dựng cuộc sống mới trong giấc mơ bao đời nay của đồng bào các dân tộc. Bằng sự nỗ lực về nhiều mặt, bên những khu rừng trồng và nương chè, nhiều ngôi nhà khang trang, hiện đại đã mọc lên. Đường bê tông len lỏi uốn lượn đến tận ngõ xóm. Điện lưới quốc gia tỏa sáng mỗi căn nhà, nước sạch cũng vào từng gian bếp. Hầu hết các gia đình đều mua sắm được phương tiện đi lại và nghe nhìn hiện đại. Tình trạng tảo hôn và số người sinh con thứ 3 trở lên không còn. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.
Ngôi nhà của một cặp vợ chồng trẻ người Mông ở Khe Mong
Anh Nguyễn Văn Long, Bí thư Chi bộ xóm Khe Mong cho biết: Từ cuộc sống du canh, du cư xa xưa và tập quán canh tác cũ, bà con các dân tộc xóm Khe Mong đã “hạ sơn”, an cư lạc nghiệp. Diện tích đất lúa không nhiều, bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng chè và kinh tế đồi rừng. Cây chè không còn là cây “giảm nghèo” mà đã thực sự trở thành cây “làm giàu” của bà con nông dân. Những tháng gần đây, chè búp tươi Long Vân có giá 80.000 đồng/kg, các loại khác từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, về cơ bản hiệu quả nên các hộ đều quan tâm đầu tư phát triển cây chè. Thời gian tới, bên cạnh xây dựng hợp tác xã trồng, chế biến và kinh doanh chè, chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp để mở rộng diện tích trồng chè đặc sản trên các triền đất dốc theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ người dân chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc, đa dạng hóa các sản phẩm; xúc tiến xây dựng thương hiệu chè Khe Mong.
Giấc mơ bao đời nay về một cuộc sống sung túc, đủ đầy đang trở thành hiện thực. Hy vọng bằng trí tuệ, sức lực và sự chung tay của cả cộng đồng, bà con xóm Khe Mong tiếp tục viết nên những “câu chuyện như cổ tích” ngày càng tươi mới làm đẹp thêm cho mảnh đất và con người Thái Nguyên.
thainguyen.gov.vn