Truy cập nội dung luôn

Đồng Hỷ: Nâng tầm nghề chè truyền thống

Huyện Đồng Hỷ có diện tích chè đứng thứ 3 toàn tỉnh (sau huyện Đại Từ và Phú Lương). Toàn huyện có hơn 3.900ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là trên 3.700ha. Thời gian qua, huyện đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân liên kết thành lập làng nghề, chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Trên địa bàn huyện hiện có 5 làng nghề chè và 36 làng nghề chè truyền thống đã được công nhận.

Người dân Làng nghề chè xóm Ba Quà, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thu hái chè

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Toàn, Trưởng xóm Ba Quà, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) cho biết: Năm 2019, sau khi sáp nhập, xóm Ba Quà có 2 làng nghề chè truyền thống, với 150/178 hộ làm chè. Những năm qua, 2 làng nghề đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua 150 máy vò, 12 máy sao chè, 3ha giàn tưới; mở các lớp tập huấn kiến thức trồng, chăm sóc, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…

Cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân cũng chủ động đầu tư mua sắm trên 200 máy vò, 180 máy sao chè, lắp giàn tưới nước cho 47ha chè, mở 27 cơ sở chế biến và 1 HTX trồng, chế biến chè.

Nhờ vậy, năng suất, chất lượng chè của xóm Ba Quà đã được nâng lên, giá bán sản phẩm cao hơn từ 100-150 nghìn đồng/kg so với trước, hiện nay đạt 200-400 nghìn đồng/kg. Xóm hiện có 32/71ha chè được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 1 sản phẩm chè của HTX chè Văn Hán đạt OCOP 4 sao. Nhờ làm chè, đời sống của người dân trong xóm dần được nâng lên, thu nhập bình quân hiện nay đạt 40 triệu đồng/người/năm (cao hơn 12 triệu đồng so với năm 2019).

Không chỉ ở xóm Ba Quà, thời gian qua, 17 làng nghề chè truyền thống của xã Văn Hán đều được “tiếp sức” bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài chương trình hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cũng quan tâm tạo điều kiện thành lập các tổ sản xuất, HTX chè.

Đến nay, xã Văn Hán có 1.000ha chè kinh doanh, 2 tổ sản xuất chè hữu cơ và 8 tổ sản xuất chè VietGAP; 6 HTX trồng, chế biến chè, với 8 sản phẩm chè đạt OCOP 3-4 sao. Năm 2022, sản lượng chè búp tươi của xã đạt trên 11.000 tấn (tăng 2.000 tấn so với năm 2015). Chè trở thành cây trồng chủ lực đem lại thu nhập thường xuyên cho 80% hộ dân trong xã.

Tương tự, tại các địa phương khác trong huyện, được sự quan tâm hỗ trợ, định hướng kịp thời của ngành chức năng, người dân ở các làng nghề tiếp tục gắn bó với cây chè, nỗ lực tham gia xây dựng thương hiệu chè của địa phương. Minh chứng rõ nhất là các hộ sản xuất tại làng nghề, làng nghề chè truyền thống đã mở rộng diện tích trồng chè lên 3.911ha (tăng 65ha so với năm 2020). Trong đó, vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ là 2.100ha (tăng 400ha so với năm 2020); giá trị sản phẩm thu được đạt từ 100-200 triệu đồng/ha, tại các vùng chè đặc sản có thể đạt từ 300 triệu đồng/ha trở lên.

Đến nay, toàn huyện có 7 HTX sản xuất, chế biến chè, thuộc 10 làng nghề chè truyền thống, với 22 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Tiêu biểu như: HTX chè Thịnh An (thuộc Làng nghề chè truyền thống xóm 9, Liên Cơ, thị trấn Sông Cầu), HTX chè an toàn Nguyên Việt (thuộc Làng nghề chè truyền thống xóm Cà Phê, xã Minh Lập), HTX Thái Minh (thuộc Làng nghề chè truyền thống Phả Lý, Thái Hưng, xã Văn Hán)...

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ: Để các làng nghề, làng nghề chè truyền thống phát triển mạnh hơn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ các hộ làm nghề; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác trong làng nghề. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn bảo tồn làng nghề chè với phát triển văn hóa, du lịch tại địa phương…


baothainguyen.vn