Truy cập nội dung luôn

Vị chữ hương trà

Mới sáng ra, nắng đã như đổ lửa. Tiếng ve sà sã, réo rắt trên những vòm lá biếc. Mà kể cũng lạ, loại bụng rỗng mà kêu rõ to, rõ lâu chỉ một âm thanh réo rắt, đơn điệu. Có chăng, khi ve kêu như thế, nghĩa là ngày hôm đó trời thường rất nắng nóng. Có ai đi qua ngõ, buột miệng than thở. Tôi ngó đầu qua cửa nhưng bóng người đã khuất. Vẫn giữ thói quen thường ngày. Cứ sáng ra, tôi bao giờ cũng phải pha ấm trà móc câu. Loại trà được hái từ những búp trà non 1 tôm 2 lá, có nghĩa hái 1 đọt non nhất và 2 lá liền kề ngay phía dưới để làm trà. Trà sau khi sao xong, cánh trà nhỏ và xoăn như cái móc câu. Thậm chí đến khi thay ấm trà mới, cánh trà duỗi mà lá trà vẫn khép vào nhau.

Ảnh minh họa

Chính vì cái hình dáng của cánh trà sau sao như thế mà người xưa đặt cho nó cái tên là trà móc câu. Từ độ vướng vào nghiệp chữ, sáng dậy không có chén trà, người bải hoải, chả muốn động chân động tay.

Ấm trà vừa đủ độ, anh bạn nghiệp chữ túc tắc sang chơi. Chẳng cần mời, anh đưa tay tự rót rồi đưa lên, hít một hơi thật dài hương trà vừa tỏa. Cũng rất thư thả, anh nhấp nhấp như để tận hưởng hết cái hương thơm từ cánh trà đang tỏa. Đặt chén xuống  anh  bảo:  Lạ thật. Thiên hạ đua nhau thích trà ướp hoa sen, trà hoa nhài, hoa hồng. Trong khi lão chỉ thích một loại trà móc câu. Đúng là loại người, đến tình yêu thưởng ngoạn cũng bảo thủ.

Đã có mấy người thử lắng lòng mình nghe lời trà tâm sự, giữ cho tâm thật tĩnh để hiểu điều gì lòng trà gửi gắm. Sau khi nhấp ly trà, cảm giác đăng đắng trong cổ họng. Khi hết vị đăng đắng ấy, sẽ thấy vị ngọt thanh còn lại. Có mấy ai đã tìm hiểu vị ngọt thanh ấy từ đâu mà có. Để có được vị trà thơm, ngon, ngọt thanh ấy, người trồng chè phải lên nương từ sớm, khi lớp sương còn phơ phất bàng bạc trên nương chè. Ấy là lúc các chất tinh túy nhất của cây chè lọc được từ đất. Sau một đêm theo nhựa cây đưa lên búp, lên lá để đón sương, đón gió, đón sự trong trẻo của trời đất. Khi có nắng, những hương vị chè thu được lại theo dòng nhựa để trở lại nuôi cây, chờ đêm mai, đêm sau, nhựa cây lại dẫn lên như thế. Cây chè là chiếc cầu nối đất trời vào đêm, sang ngày. Cái vị chan chát của nhựa cây; mằn mặn, đăng đắng của mồ hôi thấm qua lòng đất; lại thêm chút ngọt như mật của nắng mai sót lại và chút man mát của sương đêm còn đọng. Và hương trà, từ giọt mồ hôi thấm trên lưng áo, chảy tràn qua khóe mắt, từ bàn tay vò búp kết nhựa trên chiếc chảo sao. Sau tất cả để có hương trà, nhẹ mà ấm, thoảng mà bền, xa mà gần, như hương ngày ta vẫn gặp giữa đời. Ấy là lòng trà nhắn gửi. Ấy là tâm trà muốn trao: “Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”. Cái ‘thái lai’ khi trải qua cơn ‘bĩ cực’ mới thật sự quý giá, như đời người, khi trải qua những đắng cay, thời gian tĩnh lại, khi đó, tất cả trở nên sâu sắc hơn, chín chắn hơn và tĩnh lặng hơn. Hương trà hay lời xưa vọng lại?

Bên ly trà thơm nhớ về nghiệp chữ, đã mấy ai thấy vị chữ gửi người. Nghiệp viết không trải qua đắng cay, không thấm mồ hôi nhân loại, không thấu nỗi lòng cuộc đời, không sẻ chia phận người thì làm sao câu chữ có thể tải đạo. Tôi lại nhớ có nhà văn đã nói: Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không  có  núi  sông  kỳ lạ của thiên hạ, làm sao làm văn được. Ấy là nói quá đi thôi. Nhưng có một điều, nếu nghiệp chữ không viết từ những nỗi niềm nhân thế đang  diễn ra, không tải nổi đạo của đời thì văn chương, chữ nghĩa có bóng  bẩy mĩ miều đến đâu cũng nhạt. Nhạt còn loãng sao đi được tới lòng người, sao  ở lại trong lòng người cùng những điều trao gửi. Mặc dù, tự bản thân trà đã là trà tự thơm muôn thuở. Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng nói đến vị chữ nghiệp người: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Đấy chính là vị chữ. Cái vị mà từ con chữ, người đọc có thể cảm được, đong được, lắng được và thấm vào đó. Nó như hương trà, chắt từ đất, nước, gió, nắng và mồ hôi người để làm nên thứ hương, chát, đắng mà thơm mãi, nhớ mãi.

Tôi có mấy người bạn văn quê trà. Chữ nghĩa trên trang giấy mà thấu được lòng người, thấm được lẽ đời, như hương trà, cứ lặng lẽ  mà  thơm, dù có chát đắng rồi vẫn đọng lại ngọt thanh. Có phải chăng, hương trà thấm vào từ thuở lọt lòng mà câu thơ, trang văn cứ thắt thẻo phận người, cõi người, dù đắng đót đến đâu, dù có vất vả đến đâu, rồi tất cả lại trở về nguyên vẹn con người, cứ chan chan tình yêu cuộc sống, nghị lực sống. Vị chữ trên từng con chữ làm nên vị người trong mỗi trang văn.

Dường như hương trà đã thấm, anh bạn cất giọng đọc. Cái giọng khàn khàn của người nghiện thuốc, cái chất ngang tàng của kẻ sĩ nhưng có lẽ, thấm hương trà thơm mà giọng anh bỗng nhiên ngọt lạ. “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/Rút ruột mình thành dải lụa sông Lam” (Hoàng Trần Cương). “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn” (Nguyễn Bùi Vợi). “Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru” (Nguyễn Hữu Quý). Nếu không rút ruột thắt lòng sao có được câu chữ ghim đời như thế. Hương trà là đời hay người? Có thể tôi vẫn là“kẻ bảo thủ trong tình yêu” với chỉ trà móc câu. Nhưng có lẽ, cái bảo thủ để có được lời trà thầm trao gửi về kiếp trà, kiếp người; để hiểu được chút mằn mặn mồ hôi từ hương trà mỗi sớm mai thức dậy, tôi cũng nguyện đi đến tận cùng. Đấy chính là hạnh phúc mà tôi có được từ trà để có được vị chữ gửi người, dẫu bóng người đã khuất./.

 

 

Phạm Thanh khương
thainguyen.gov.vn