Truy cập nội dung luôn

Trà với Nguyễn Trãi

Nhiều thế kỷ nay, ở Việt Nam cũng như thế giới, trà đã trở thành một nét văn hóa sâu đậm trong đời sống con người. Đối với các danh nhân, thi nhân, thì trà không còn là một thức uống bình thường mà như một người bạn tâm giao. Những nhà thơ nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn Quốc… đều đã có những bài thơ, câu thơ để đời về trà. Ở nước ta, từ cổ chí kim, những nhà thơ lớn như: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Yến Lan, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Bính… không ai là không có thơ về trà. Với họ, trà là tri âm tri kỷ, là nỗi niềm, là tính cách của chính nhân quân tử hoặc là nơi có thể trút bụi trần…

 

Hình ảnh khắc họa Nhà thơ Nguyễn Trãi. Ảnh: Internet

Có lẽ, một trong những bài thơ viết về trà sâu sắc và giàu cảm xúc, được nhiều người yêu thích nhất là bài: “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác” (Sau loạn về Côn Sơn cảm xúc viết) của Nguyễn Trãi. Xin giới thiệu bài thơ:

Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác

Nhất biệt gia sơn kháp thập niên,
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên.
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ,
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên.
Hương lí tài qua như mộng đáo,
Can qua vị tức hạnh thân tuyền (toàn).
Hà thời kết ốc vân phong hạ,
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên
.

Dịch nghĩa:

Sau loạn về Côn Sơn cảm tác

Từ giã quê hương vừa đúng mười năm
Nay trở về, tùng cúc một nửa đã tiêu sơ
Đã hẹn với rừng suối mà sao nỡ phụ
Trong cát bụi cúi đầu tự thương mình
Vừa qua làng, tưởng như chiêm bao
Chiến tranh chưa dứt, may được toàn thân
Bao giờ được làm nhà dưới núi mây
Múc nước suối nấu trà, gối lên đá mà ngủ.

Bản dịch của Đặng Thế Kiệt:

Xa quê nay đã đúng mười năm
Trở lại, tùng xưa nửa héo tàn
Đã hẹn suối rừng sao nỡ phụ
Cúi đầu cát bụi tự thương thân
Chiến chinh chửa dứt may còn sống
Làng cũ đi qua tưởng mộng lầm
Ước được cất nhà mây xóm núi
Nấu trà, gối đá ngủ mênh mang

Tới nay đã có rất nhiều các nhà thơ dịch thành công bài thơ này và đã có bản dịch sang tiếng Anh. Bản dịch của Đặng Thế Kiệt ở trên theo thể thất ngôn bát cú. Để đại chúng, bình dân hơn, người viết bài này cũng mạo muội xin dịch bài thơ theo thể lục bát:

Giã từ quê cũ mười năm

Ngày về, tùng cúc nửa phần hoang sơ

Suối rừng xưa đã hẹn hò

Trong cát bụi, bỗng ngẩn ngơ thương mình

Qua làng, ngỡ giấc mơ xanh

Gươm đao chưa dứt, may mình vẹn nguyên

Mong làm nhà dưới mây tiên

Nấu trà nước suối, gối lên đá ngàn.

Đến nay, người ta chưa xác định được Nguyễn Trãi làm bài thơ này vào thời điểm nào. Nhưng cũng có nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là thời gian Nguyễn Trãi được Lê Lợi cử đến Côn Sơn để quan sát địa thế và phủ dụ dân chúng vùng Hải Dương, nơi ông từng lớn lên và thông thạo địa hình. Bài “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác” có thể đã được sáng tác trong giai đoạn này (từ tháng 8 năm Bính Ngọ 1426 tới đầu năm Đinh Mùi 1427).

Bài thơ cho ta thấy tâm tư, tình cảm của Nguyễn Trãi với quê cũ. Trong ông thoảng chút xót xa trước cảnh ít nhiều hoang tàn của Côn Sơn (Nay trở về, tùng cúc một nửa đã tiêu sơ). Nhưng nỗi buồn sâu nặng nhất là mơ ước đơn giản của ông được làm nhà dưới núi mây/ Múc nước suối nấu trà, gối lên đá mà ngủ chừng như vẫn còn rất xa.

“Múc nước suối nấu trà, gối lên đá mà ngủ”. Thì ra, các bậc hiền nhân quân tử khi về ở ẩn, luôn nghĩ đến việc thưởng trà. Không phải là nhà cao cửa rộng, không phải là ngọc ngà châu báu, không phải danh lợi mà chính là cái thú tao nhã ấy không thể thiếu đối với họ, gắn với cuộc đời họ, như một lẽ sống.

Thế mới biết, trà đã chiếm một vị trí quan trọng như thế nào đối với tâm hồn và cuộc đời của bao thế hệ.

CTV Hồ Thủy Giang
thainguyen.gov.vn