Truy cập nội dung luôn

Trà hoa

2022-11-22 09:16:00.0

Mặc cho gió vần vũ, sương sa giá rét, cây trà hoa vàng ở góc sân nhà chị vẫn tưng bừng phô diễn vẻ đẹp quyến rũ. Trà khoác lên mình chiếc áo màu xanh giản dị đan xen những bông hoa vàng lấp lánh. Cây trà hoa vàng chọn tháng 11 rét đậm bung nở từng chùm, từng bông vàng lấp lánh, trước đất trời ăm ắp sương bay, tràn căng gió lạnh.

Ảnh minh họa

Chị yêu quý cây trà như báu vật. Cây trà này hiện diện ở góc sân nhà chị 26 năm. Từ lúc cây bé nhỏ, cao chừng gần một mét, đến nay đã cao lớn tỏa bóng.  

Sáng sớm, khi bầy sương dong duổi dưới tán cây, từng lá trà long lanh những giọt ban mai tinh khiết lấp lánh, chị hái đôi lá, cho vào chiếc ấm gỗ hương hãm nước uống. Vào mùa hoa trổ bông vàng, chị vừa ngắm vẻ đẹp giản dị mà thanh cao của trà hoa, vừa hái một bông hoa tươi, cho vào cốc nước nóng, thong thả nhấp từng ngụm nhỏ, nhâm nhi hương thơm nhẹ nhàng, vấn vít. Chị uống lá và hoa của trà hoa vàng là chị thưởng thức hương vị tinh khiết đất trời, sự thảo thơm của cây, sự chân tình đậm đà của người… khiến cho chị lâng lâng, nhẹ nhõm trước khi đến trường dạy học trò.

Bất chợt, chị khẽ thở dài nhớ cậu học trò tặng cây trà hoa vàng. Dẫu rằng, vòng xoay vũ trụ với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trôi qua, biến đổi cuộc sống của chị 26 năm. Từ lúc chị là cô giáo trẻ, đứng trên bục giảng hơn hai năm, giờ đã là “bà giáo” độ tuổi năm mươi, thế nhưng hình bóng trò nhỏ năm xưa luôn đậm nét trong tâm trí chị. Tuy trò nhỏ đã trưởng thành, bước chân dặm dài vượt qua núi rừng, đi công tác xa, thế nhưng chị luôn có cảm giác em vẫn ở đâu đó, rất gần gũi bên chị, đó chính là sự hiện diện của cây trà hoa vàng tươi xanh, vang tiếng chim hót vào mỗi sớm mai.

Chị bồi hồi nhớ ký ức năm xưa…

…Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm ấy, sương muối trắng trời, trắng đất, phả hơi rét tái tê. Nước từ máng vầu trên núi đổ về nhà lóc róc chảy. Trên bề mặt máng vầu có lớp băng trong suốt tựa pha lê. Chị khẽ dụi gộc củi trong bếp vuông, cho lửa bùng lên để ấm nước sôi nhanh còn pha trà dây với vài lát gừng gió, ủ vào ấm tích.

Chị đã dặn học trò không đến nhà cô giáo, nhưng sao chị vẫn có cảm giác là lạ, bồn chồn? Chị lo tụi học trò vượt núi, băng qua giá rét đến nhà. Hôm qua, trước khi kết thúc tiết học, chị cười thật tươi, nói với các trò nhỏ lớp 7A do chị làm giáo viên chủ nhiệm: “Cô rất vui vì lớp trưởng A Sáng thay mặt các bạn chúc mừng cô nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cô mong cả lớp đoàn kết,  thương quý nhau, chăm học, đạt nhiều điểm giỏi!”. Sau một tràng vỗ tay giòn giã của các em, chị trìu mến đưa mắt nhìn khắp lượt trò nhỏ, dịu dàng: “Năm nay trời rét đậm, ngày mai ở nhà sưởi ấm, các em không đến nhà cô giáo nhé, cô nhận lời chúc mừng của các em hôm nay là vui lắm rồi…” 

 Mặc dù ở trong nhà, bếp lửa tỏa hơi ấm, thế nhưng không xua nổi giá rét đang bủa vây khắp căn nhà sàn. Chị bâng khuâng và lo lắng nhìn xuống con đường đá trước cửa nhà. Chị sợ trời rét thế này, tụi trẻ mặc không đủ ấm mà đến nhà cô giáo thì tội lắm. Trẻ vùng cao đâu có thể đủ đầy như trẻ dưới phố xá? Nhiều gia đình người dân tộc trên này khó khăn. Có nhà đông con, phải lo từng bữa ăn, lấy đâu ra tiền sắm sửa nhiều áo quần? Cũng vì thấu hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh, thế nên chị và các thầy cô giáo trong trường thường tổ chức quyên góp, làm từ thiện, giúp các em học sinh nghèo khó. Tuy nhiên, học trò nghèo thì đông, mà tiền lương của thầy cô cũng ở mức khiêm tốn, còn phải lo gia đình, vì vậy cũng không thể giúp các em thường xuyên. Nghĩ đến đây, chị nén tiếng thở dài…

Đang suy nghĩ miên man, bỗng mắt chị nhìn như dán vào dáng người nhỏ bé cặm cụi ngược dốc. Ô! Thào A Sáng, lớp trưởng - Học trò giỏi, ngoan của chị. Nhà A Sáng ở lưng chừng núi Phja Kháo, cách đây mấy cây số, mà sao A Sáng đến chơi với cô giáo sớm vậy?

A Sáng chạy ào lên cầu thang nhà chị. Người em phả ra hơi sương giá lạnh. Trên tay ôm cây hoa màu vàng rất đẹp. A Sáng ấp úng: “ Cô…Cô giáo à, em tặng cô giáo cây hoa chè!”. Chị nhẹ vuốt mái tóc vương sương sớm của em, giọng chị như lạc đi vì xúc động: “Em à, cô dặn rồi, lạnh thế này mà A Sáng tới nhà cô làm gì?” Chị kéo tay trò xuýt xoa: “Vào đây, vào sưởi bếp cho ấm. Khổ! Chắc em chưa ăn sáng? Cô có làm bánh “Coóc mò” vừa luộc xong còn nóng, cô trò mình cùng chấm mật mía ăn nhé!”. A Sáng ngần ngừ: “Cô giáo à, cây này cần ở dưới đất. Cây xa đất từ chiều qua vì em cuốc nó lên. Giờ thì…em…em muốn trồng nó làm kỷ niệm ở nhà cô giáo!”.

Hai cô trò hí húi trồng cây, mặc gió lạnh không ngừng thổi. Tưới nước vào gốc cây vừa trồng, A Sáng thì thầm: “Cây à, ở với cô giáo xanh tốt nhé, nhớ ra nhiều lá, nhiều hoa…”. Chị rưng rưng, ngân ngấn nước mắt…

Tiếng hót ríu rít của tụi chim sẻ núi, chim sáo đá đang bay lượn quanh cây trà hoa vàng kéo chị ra khỏi vòng hồi tưởng.

Mới đấy mà đã gần 30 năm. Học trò A Sáng năm nào, giờ là sĩ quan quân đội. Cách đây hơn một năm, A Sáng về phép, đến thăm chị, A Sáng hồ hởi khoe: “Em đến thăm cô giáo lần này có lẽ mấy năm nữa em mới có dịp gặp cô giáo. Em xung phong ra Trường Sa công tác cô giáo ạ!”. Chị nhìn đôi mắt lấp lánh sáng trên gương mặt chữ điền sạm nắng gió của A Sáng thầm tự hào về cậu học trò người dân tộc Mông ưu tú…

Mấy chục năm chị dạy học, lớp 7A của Thào A Sáng cùng lớp lớp thế hệ học trò trưởng thành, các em tựa như những cánh chim, miệt mài bay vượt những cánh rừng, ngọn núi, đến khắp mọi miền đất nước…Chị khẽ mỉm cười tự hào bởi mình góp phần truyền thụ kiến thức, chắp cánh cho ước mơ các em bay xa, bay cao.

Giờ thì, vòng quay của thời gian đã điểm. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - ngày “hội” của các thầy cô giáo. Cây hoa trà nhà chị tưng bừng trổ hoa. Sắc hoa vàng giản dị, đằm thắm mà thanh cao. Từng cánh hoa e ấp, long lanh sương sớm, khẽ rung rinh khiến chị bồi hồi thao thiết nhớ học trò năm xưa. Trong gió sương, giữa tiếng hót ngân nga, ríu rít của bầy chim, chị lắng nghe dòng thanh âm rộn giã, tươi vui, tựa như ngàn…ngàn bước chân nhộn nhịp của các em tung tăng vui nhịp bước đến trường.    

Nhà văn Bùi Thị Như Lan
thainguyen.gov.vn