Truy cập nội dung luôn

Tình thân qua ấm trà quê

Tháng 6 năm 1969, Trại hè TP. Thái Nguyên tập huấn về chuyên môn, chính trị để trang bị cho nhiệm vụ của năm học mới được khai mạc. Học viên của Trại là các giáo viên thành phố và chúng tôi, những giáo sinh 10+1 khóa đầu tiên của Trường Sư phạm Bắc Thái. 41 giáo sinh chúng tôi được phân công ở nhờ các nhà dân quanh Trại. Tôi và Ngô Thị Khánh người Vân Trai, Tân Phú (Phổ Yên) được vào ở nhờ nhà một gia đình công giáo toàn tòng tại xã Túc Duyên. Tôi vẫn nhớ bác tên là Thiệp, con gái đầu lòng tên là Lụa trạc tuổi chúng tôi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Khỏi nói hết sự bỡ ngỡ của hai đứa chúng tôi lúc ban đầu. Các thầy ở Trại hè dặn chúng tôi cặn kẽ về việc phải “dân vận”tạo được mối quan hệ tốt với gia đình mình đang ở. Hai đứa “run như dẽ” trong buổi ra mắt chủ nhà. Ông bà mặt lạnh băng trong lúc đàn con 4-5 đứa nhìn chúng tôi ngờ vực, xa lạ. Sợ lắm, song chúng tôi vẫn tươi cười niềm nở cố gắng làm thân với mấy chị em, nhất là Lụa. “Ba cùng” được thực hiện triệt để. Quét dọn nhà cửa, tắm giặt cho lũ trẻ, làm bất cứ việc gì có thể lúc chúng tôi ở nhà. Vài ngày sau, những cặp mắt “cảnh giác” thân thiện dần. Tôi, Khánh, Lụa bắt đầu rúc rích chuyện trò sau buổi tối rủ nhau đi tắm sông. Tôi con gái Hưng Yên bơi giỏi, Khánh nhà ở ven sông Cầu nên sông nước là sở trường của nó. Ba đứa đua nhau vùng vẫy. Nước sông Cầu trong vắt như gột rửa mọi nghi ngại khiến mối quan hệ chủ nhà - người ở nhờ xóa đi lúc nào không rõ. Bác trai dần nhìn chúng tôi bằng ánh mắt bao dung. Còn hai đứa tôi luôn cố gắng để không ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của gia đình. Lúc gia đình cầu kinh, chúng tôi kính cẩn lắng nghe. Thi thoảng chúng tôi bớt khẩu phần ăn mang về (bữa tối chúng tôi được phát mỗi đứa một cái bánh mì và nửa lon thịt bò bằng cổ tay đứa trẻ con, là hàng viện trợ của Liên Xô lúc bấy giờ). Một hôm đi học về thấy hai mẹ con Lụa đang cấy ở mảnh ruộng giáp nhà kho hợp tác xã gần nhà,lập tức hai đứa tôi để sách vở trên bờ, xắn quần lội ruộng cấy giúp. Bác chủ nhà kêu trời: Bẩn hết quần áo các cô ơi! Bác trố mắt thấy hai cô giáo tương lai cấy nhanh hơn cả mình. Chúng tôi cười khì: Chúng cháu là “nông dân thứ thiệt” mà. Có Chủ nhật chúng tôi không về Phổ Yên mà ở lại đi cấy, vì biết hôm đó bác cấy thửa ruộng to nhất, mọi khi phải đi mượn người. Bà con thấy thế đùa: Nhà ông Thiệp kén được hai cô giáo đã học giỏi lại lao động giỏi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ở nhà mấy hôm chúng tôi phát hiện bác trai nghiện trà, sáng nào cũng ngồi uống trà một mình. Từ sau buổi chiều chúng tôi cấy giúp gia đình, bác mời: Hai cô giáo ra uống trà với tôi cho vui. Và chén trà nóng hổi bên rổ khoai luộc đã khiến chủ nhà và người ở nhờ trở nên thân thiết. Ông thăm hỏi quê quán, gia đình, kể cả việc ăn uống của hai chị em. Ông bảo từ nay hai cháu tối đem bánh mì về cho các em ăn, còn hai cháu ăn cơm cà cơm rau với gia đình. Chúng tôi nhìn nhau rưng rưng xúc động vì hiểu ông bà đã coi chúng tôi như con cháu trong nhà rồi. Từ đó, sáng nào chúng tôi cũng được uống trà sớm. Gia đình luôn rộn tiếng cười.

Hai đứa tôi lúc đầu uống chè chỉ thấy chát. Hơn một tháng sau thì trở nên “nghiện”. Sáng nào không có chén trà thấy nhớ, thấy thèm. Cùng ấm trà quê, tình cảm của gia chủ với chúng tôi ngày thêm gắn bó. Khi Trại hè kết thúc, chúng tôi chia tay gia đình trở về trường, những giọt nước mắt bịn rịn lăn dài đã nói lên tất cả. Ra trường, tôi lên tít Bạch Thông (Bắc Kạn) dạy học, Khánh lên huyện miền núi Võ Nhai (Thái Nguyên) công tác. Từ đó chúng tôi chưa có dịp về thăm lại Túc Duyên. Song trong tâm khảm, tình cảm của gia đình bác Thiệp và bà con Túc Duyên với chúng tôi lúc nào cũng đượm nồng, thơm ngát như chén trà quê xưa.

CTV Hoàng Thị Nguyệt
thainguyen.gov.vn