Truy cập nội dung luôn

Tiệm trà cụ Trưởng An

Tiệm trà của cụ Trưởng An có từ bao giờ thì cả cái thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) này không mấy người biết. Người nhiều tuổi kể rằng: Con phố nằm bên ga xe lửa Bắc - Nam này dài chưa đến hai cây số, có ba tiệm nổi tiếng là tiệm phở của ông Thơm, tiệm thuốc lào của ông Khể và tiệm trà của cụ Trưởng An, lúc đầu chuyên bán trà Tầu, trà khô pha trong ấm sành.

Tiệm trà cụ Trưởng An được nhiều người biết đến nhất là lúc giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Từng đoàn người với súng to, súng nhỏ, hành quân lầm lũi trong đêm qua phố nhỏ Đồng Văn ven Quốc lộ 1 dừng nghỉ chân. Lần lần, đêm nào dân phố Đồng Văn cũng bảo nhau chuẩn bị nước chè xanh, kê bàn trước cửa nhà, bầy biện quà bánh thết đãi bộ đội. Bộ đội thích nhất dừng lại uống chén trà của cụ Trưởng An, không phải để thưởng thức vị ngọt dịu, đăng đắng, tỉnh ngủ của chén trà mạn hay bát nước chè xanh đặc sánh cắt trên núi Đọi, núi Đệp mà còn tranh thủ mấy phút nghỉ ngơi ngắn ngủi trong chặng đường hành quân đằng đẵng về phía chiến trường. Bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến rồi các lực lượng dân chính tăng cường vào Nam, người nọ kháo người kia, thành thử tiệm trà cụ Trưởng An nức tiếng xa gần từ đấy…

Thị trấn Đồng Văn tuy nhỏ nhưng có ga tầu hỏa, bến xe, cư dân đông đúc. Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Nhà nước có chủ trương giãn dân. Mấy chục gia đình đi xây dựng kinh tế mới lên Đại Từ, Đồng Hỷ và chuyên về trồng chè. Gia tộc cụ Trưởng An cũng có vài hộ đi kinh tế mới. Cụ Trưởng An lên Thái Nguyên thăm bà con, thấy nơi này chè tốt, trà ngon thì để tâm tìm hiểu. Cụ thấy chè Thái Nguyên chăm bón đúng cách, hái đúng lúc, sao suốt, lấy hương chuẩn thì còn ngon hơn trà Tầu đắt đỏ. Lại nữa, chè được ướp nhụy hoa sen đầm Vực Vòng, Hoàng Đông thì thơm ngon hết nói. Thế là trên cái chõng tre trước cửa tiệm của cụ có thêm tích trà mạn ướp sen. Những đêm khuya khoắt, hiệu lệnh chỉ huy được phát ra: Đơn vị dừng chân 5 phút thưởng trà mạn cụ Trưởng An rồi đi. Đằng đẵng ngót 10 năm, cụ Trưởng An lặng lẽ đãi bộ đội đi B trà mạn Thái Nguyên như thế…

Cứ bảo sao người đồng bằng thích uống trà mạn (nói tắt của từ mạn ngược-chè mạn xuôi đồng bằng có nhưng chỉ dùng chè xanh), sao suốt, lên hương mốc cau (mầu trà mông mốc như thân cây cau già) thì càng quý. Với cụ Trưởng An thì cụ còn phát triển cái quý, cái sang của trà Thái lên một tầm mới.

Vài chục năm trước, đi công tác phía Nam bằng ô tô, kiểu gì thì tôi cũng ghé tiệm uống trà và hầu chuyện cụ. Cụ bảo: Thưởng trà cũng lắm công phu chứ chẳng chơi! À mà này, còn trên cây, còn là lá thì mới gọi chè nhé, phàm đã chế biến thành khô rồi thì phải gọi là trà. Trà ướp sen ư? Cầu kỳ thì khi giữa mùa sen nở, đi thuyền thúng ra giữa đầm sen lúc chiều tà, chọn những bông sen to đẹp nhất, dúm một dúm trà Thái thả vào nhụy sen, lát mặt trời lặn, đoá sen sẽ cụp lại, ủ trà trong đó. Sáng sau, khi mặt trời lên, sen nở, uốn cong bông sen mà lấy trà vào rá. Cũng nên mang theo tích sứ hứng những giọt nước đọng trên lá sen về đun nước pha trà. Bình dân, đại trà thì lấy cả đống hoa sen bánh tẻ về tách nhụy mà ướp trà, bảo quản dùng cả năm. Cụ kể, có lần cụ đi tầu lên ga Quán Triều rồi lên Đại Từ để hướng dẫn cách làm chè và trà rồi đặt mua dài hạn. Để làm ra lạng trà ngon cũng diệu vợi lắm lắm. Hái lúc sương sớm vừa tan, nắng chưa gắt, chỉ đựơc ngắt một tôm, hai lá, không lèn chặt búp chè trong thạ, về nhà tãi ra nong cho ráo rồi đưa ngay lên chảo nóng xào vò, tiếp tục sao nhỏ lửa cho đến khi khô kiệt. Đánh mốc, lấy hương là công việc nghệ thuật và tỉ mỉ. Bàn tay con người quyết định nhiệt độ của chảo. Kể cả tính cách người làm nữa. Nóng vội thì quá trình lên mốc cau nhanh, trà bị ép, kém dậy hương…

Cụ Trưởng An tên thật là Nguyễn An Tâm, lúc trẻ, cụ làm Trưởng ban an ninh tự quản của phố nên gọi cụ là Trưởng An. Các con trai Nguyễn An Ninh, Nguyễn An Định đều là những trí thức, nhà báo nổi tiếng một thời. Tiệm trà của cụ là nơi đàm đạo văn chương, thơ phú của bao thế hệ. Nhạc sỹ Bùi Đình Thảo, hàng xóm, từng ôm ghi-ta mà xướng âm cho ra đời ca khúc Đi học nổi tiếng “Hương rừng thơm đồi vắng,nước suối trong thầm thì, cọ xoè ô che nắng, râm mát đường em đi”, hay nhà báo Nguyễn An Định (Chu Thượng) con trai cụ, làm Báo Lao động, nổi danh một thời có lẽ cũng từ những chén trà…

Bây giờ Duy Tiên lên thị xã, khu công nghiệp Đồng Văn 1,2,3,4 đua nhau mọc lên rất hoành tráng. Cụ về với tiên tổ đã lâu nhưng Tiệm trà cụ Trưởng An được con cháu gìn giữ, xây mới to rộng. Ở vị trí ngã ba lối đi chùa Tam Chúc, tiệm trà vẫn đông khách như xưa vì thương hiệu Trưởng An và trà Thái đã đi vào cuộc sống từ lâu lắm rồi.

CTV Hữu Minh
thainguyen.gov.vn