Truy cập nội dung luôn

Thưởng trà trên chốn sơn thủy hữu tình

Có lẽ, một trong những niềm hạnh phúc của người viết về trà, là được một lần thưởng trà trên chùa Linh Quy Pháp Ấn thơ mộng, ẩn hiện trong lớp sương khói mờ ảo. Khi màn đêm nhẹ buông xuống, giây phút tĩnh lặng giữa thư viện, trong khoảnh khắc lưng chừng giữa trời, mây, núi non thanh tịnh… bên ấm trà cùng nhà sư, là một cảm giác rất lạ, lúc đó ta cảm nhận vị trà tinh túy quyện cùng thiên nhiên giữa chốn bồng lai…

Khoảnh sân mát lạnh của Quản chiếu Đường và Cổng trời yên bình trong chiều muộn

Khoảnh sân mát lạnh của Quán Chiếu Đường và cổng trời yên bình trong chiều muộn Chùa Linh Quy Pháp Ấn, tọa lạc ở thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, trên một ngọn núi đắc địa, là nơi giao thoa giữa trời và đất, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Linh Quy Pháp Ấn chắc chắn sẽ tạo cho bất kì ai đến nơi đây cảm giác thư giãn và thoải mái.

Cách đây hơn 15 năm trước, vùng đất này hoang sơ, dân cư thưa vắng. Nơi đây bạt ngàn màu xanh của chè và cà phê bao phủ. Khi đó một vị sư thầy đi ngang vùng đất, ngắm phong cảnh hữu tình, từng luống chè xanh mơn mởn, đầy sức sống trong nắng, gió xôn xao, thỉnh thoảng có những cơn mưa bóng mây nhẹ qua… khiến sư thầy rung động, tâm hồn thư thái. Thầy chợt nghĩ, đây là miền đất an lành để tu tập kinh cầu. Nhà sư bèn dừng chân. Sau 10 năm ăn chay, niệm phật, lấy chân kinh làm lẽ sống, sư thầy không quản ngày nắng, đêm mưa, đã tu sửa, trau chuốt hoàn thiện ngôi chùa thành nơi linh ứng an nhiên, tĩnh lặng như bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp giữa chốn trần gian.

Phóng viên Trà Việt khi đến tham quan, ấn tượng bởi kiến trúc của chùa có thiết kế vô cùng độc đáo, mang dáng dấp tu viện Nhật Bản, có vườn đá, có “cổng trời”. Không gian quy hoạch, mạch lạc, chia thành một số phần chính: Chính điện, giảng đường Am Pháp Ấn, quán chiếu đường và thư viện Am Pháp Ấn. Ngoài ra còn có tam giải thoát môn cùng một số các tịnh thất. Những tịnh thất này nằm rải rác men theo cung đường và sườn núi quanh chùa.

Dấu ấn đặc biệt và độc đáo nhất chính là “cổng trời”. Khác với cổng trời Torii của Nhật Bản, cổng trời của chùa Linh Quy Pháp Ấn không thể đi qua. Theo lời Nhà sư trụ trì, chỉ có người đạt được cảnh giới cao, cảnh giới “không” mới qua được. Biểu tượng “cổng trời” tượng trưng cho ranh giới giữa trời và nơi trần tục.

Không gian yên tĩnh nơi đây sẽ khiến bạn thả hồn vào khung cảnh thiên nhiên bình yên lạ thường. Từng thời điểm trong ngày, biến đổi thú vị theo không gian, thời gian của ánh ngày, tạo nên những bức tranh sống động, hoàn mỹ. Bình minh ló rạng trong lớp lớp sương sớm bồng bềnh trắng tinh khôi, tựa như chiếc khăn voan khổng lồ bao trùm. Mặt trời từ trên núi, nhè nhẹ thả muôn vàn tia nắng ban mai rực hồng, giống như những lọn tơ chiếu rọi xuống từng vòm cây, thảm cỏ, hoa cảnh… khiến cho biết bao giọt sương long lanh như mỉm cười, trong tiếng chuông gió lanh canh…tạo nên khung cảnh kỳ bí, ảo huyền mà sống động. Chiều đến, nắng sơ rút lên núi, phết những mảng màu ngũ sắc vào vòm trời đang chuyển  dần sang màu tím huyền ảo. Hoàng hôn dần buông, trong khoảnh khắc giao thoa giữa trời và đất, thiên nhiên thật thơ mộng và quyến rũ. Từng đàn chim từ đâu đó ríu rít, chao liệng gọi nhau bay về rừng trước khi bóng tối ập xuống, trong tiếng chuông chùa ngân vang, cùng tiếng tụng kinh gõ mõ gieo giọt thiện vào nhân gian… thật thanh bình xiết bao. Từng phút, từng giây trôi qua tại chốn tiên cảnh tuyệt đẹp, khiến người nào đến đây cũng thấy tâm hồn thư thái, thanh tao…

Khi đến đây tham quan, du khách nên một lần ngồi thiền. Chọn vị trí thích hợp, ngồi thiền tịnh tâm trong khuôn viên thơ mộng, bạn sẽ cảm nhận sự yên bình, thanh thản trong tâm hồn, khi rời xa cuộc sống ồn ã nơi phố thị, với biết bao tính toán mưu sinh thường nhật. Được đằm mình vào nơi thiêng liêng chốn thiền, giữa khung cảnh thiên nhiên bí ẩn, huyền ảo. Tuyệt vời biết bao khi bóng tối buông rèm, sau bữa cơm chay, bạn được thưởng trà nồng nàn hương thơm tại nhà chùa cổ kính sơn thủy hữu tình. Có lẽ, với mỗi người, đây là trải nghiệm quý giá, thú vị ai cũng từng ao ước một lần trong đời, đến nơi “bồng lai tiên cảnh” thưởng ngoạn và chiêm bái.

Thầy trụ trì rót tThầy trụ trì rót trà mời khách thưởng thức hương vị từ vùng đất Bảo Lộc

Khi phóng viên Trà Việt đến vãn cảnh chùa, Sư thầy tiếp khách xa bằng một ấm trà Bảo Lộc, hái trên những ngọn đồi bao quanh chùa. Dõi nhìn Thầy lịch lãm, thong thả hãm chè, tráng chén bằng nước nóng, khi  rót hai tay cầm ấm nâng niu như báu vật… mới biết, Thầy hiếu khách, am hiểu thông thái văn hóa trà, trân quý từng búp chè thiên nhiên ban tặng cho vùng đất những cây chè mạnh mẽ phóng khoáng, cùng giọt giọt mồ hôi của người dân Tây Nguyên nắng gió đã làm nên búp chè ngọt ngào thanh vị.

Trong câu chuyện quanh ấm trà, sư thầy nhẹ nhàng lý giải, thiền trà không đơn  giản  ngồi  thưởng  thức  hương vị độc ẩm, mà đó là pháp môn thi vị, giúp ta tĩnh lặng, biết tri giác sai lầm, hóa giải hận hờn, khổ đau trong mình. Thiền trà nhắc nhở chúng ta khắc ghi “Tứ trọng ân”.

Uống trà đêm thanh vắng, vị chát rồi ngọt của trà nhuận thắm cửa thiền sâu lắng, gợi lên khúc đại từ sắc sắc, không không

Nhấp ngụm trà thứ nhất ta uống cho cha mẹ của mình bởi ta chính là sự tiếp nối của cha mẹ. Nhấp ngụm trà thứ hai, ta uống cho niềm tin nơi lẽ phải, giữ trọn thân luôn sạch. Nhấp ngụm trà thứ ba ta uống cho những người đã đến với cuộc sống của ta, thầy cô, bạn bè những người cho ta hạnh phúc và cả những người mang ta khổ đau. Chúng ta hãy cảm ơn tất cả mọi người cảm ơn những ân tình, những khổ đau đã cho ta trưởng thành. Thưởng thức ngụm trà thứ tư, ta uống cho trời đất, cho cây cỏ hoa lá, những tặng phẩm đã giúp ta có được chén trà… Thành kính với tất cả mọi người. Sống vô ngã vị tha, yêu thương hết thảy muôn loài vạn vật.

Tạm biệt Sư thầy cùng ngôi chùa Linh Quy Pháp Ấn trong một sáng ăm ắp sương bay, tràn căng gió thổi, giữa miền thanh âm vô tịnh, tiếng chuông gió thanh thoát, ngân nga như níu bước chân chúng tôi trên đường về. Chúng tôi thầm hẹn, một ngày không xa sẽ trở lại…

 

 

 

 

Lê Sơn
thainguyen.gov.vn