Truy cập nội dung luôn

Thưởng trà Thái ở Thủ đô

Xếp chân trên chiếc nệm êm tại căn Thiền trà số nhà 33, Linh Đường (quận Hoàng Mai, Hà Nội), tôi thả trôi cảm xúc cùng tiếng nhạc êm dịu và hương trà thơm ngọt. Chút bâng khuâng dâng lên trong tôi khi ngoài kia là ồn ào nhịp sống đô hội, còn ở trong này chỉ có trà cất tiếng thủ thỉ cùng tôi.

 

Lại Ngọc Hà luôn cẩn trọng trong từng động tác pha trà

Người trong trang phục Phật tử, đang cẩn trọng từng động tác pha trà trước mặt tôi là Lại Ngọc Hà, sinh 1987. Cô gái lớn lên ở đất chè Sông Cầu (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu trà và Nông sản Quốc tế Ngọc Thiên Trà, đang đi theo con đường kinh doanh mới và khó: Trà Đạo.

Tôi biết Hà khi cô còn là kế toán trưởng của một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội. Thu nhập khá và việc làm ổn định nhưng Hà vẫn rất quan tâm đến cây chè quê mình. Cô thường xuyên đưa bạn bè về quê thăm vùng chè, tự tay sao chè tặng bạn và quảng bá sản phẩm trà Sông Cầu. Cô kể cho tôi nghe kỷ niệm về ông ngoại cô, người tham gia bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên. Từ nhỏ, cô đã được ông chỉ dạy cách pha trà, nói cho cô biết về bao lớp thế hệ thanh niên dành cả tuổi thanh xuân để khai phá đất hoang, làm lên vùng chè Sông Cầu bát ngát. Hà kể cho tôi nghe về người mẹ có đôi tay đen nhẻm nhựa chè, đêm đêm bên ánh đèn heo hắt, mẹ cô thức cùng mẻ chè trên bếp lửa.

Hà tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên

Rồi tôi nghe tin Hà bỏ nghề kế toán, chuyển sang làm công việc mình đam mê, đó là sản xuất, kinh doanh trà. Qua facebook, tôi biết Hà chọn con đường Trà Đạo. Nhưng tận hôm nay, tôi mới có dịp nhấp chén trà Hà mời trong không gian đậm chất Thiền.

Nhìn lại 2 năm toàn tâm toàn ý với trà, Hà tâm sự: Không dễ dàng để một thương hiệu mới thâm nhập thị trường Hà Nội. Nhiều người làm trà có tiềm lực kinh tế, có vùng nguyên liệu nổi tiếng mà cũng không thành công. Cháu có lợi thế là người lớn lên ở vùng chè và yêu cây chè từ thủa thơ ấu. Nhưng khó khăn của cháu là ít vốn, ít kinh nghiệm về nông nghiệp và ít mối quan hệ ở nơi tuy đông người nhưng không dễ bán hàng này.

Mở công ty đúng thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, Hà đã đầu tư cẩn trọng, chi tiêu căn cơ. Cô không vay vốn bên ngoài cũng như ngân hàng. Cô nhiệt tình tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm để thiết lập thị trường và bạn hàng. May mắn, Hà tìm được mối xuất khẩu tiểu ngạch sang Lào và Campuchia nên Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Sau thời gian thăm dò thị trường, cô quyết định tập trung cho thị trường trong nước và đi vào con đường “hẹp”: Kinh doanh trà chất lượng cao cho “tệp” khách hàng ưa dùng các sản phẩm trà thuần tự nhiên.

Hà tâm niệm mình uống thế nào thì bán cho khách phải như thế đó. Cô kiên quyết từ chối những đơn hàng lớn rẻ tiền, những loại trà phẩm chất thấp vì theo cô như vậy là vô trách nhiệm với môi trường và người tiêu dùng. Ngoài vùng nguyên liệu tại Thái Nguyên, cô còn liên kết với những nghệ nhân giàu kinh nghiệm ở các làng nghề có trà đặc sản ở Hà Giang, Mộc Châu, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Mục đích của Hà là cung cấp đa dạng sản phẩm tốt nhất đến cộng đồng Phật tử, doanh nhân, trí thức, những người ăn chay trường, ưa sản phẩm sạch.

Sản phẩm của Ngọc Thiên Trà

Hiện nay, Công ty của Hà kinh doanh trên 40 loại trà, nhiều nhất là chè Thái Nguyên. Gồm các loại: Bạch Hạc, Lai F1, Trà Vân Thiên, Hồng Thiên, Hương nếp (ướp cây lá nếp), Trà ướp hương (hoa nhài, hoa sói, hoa sen). Nói về việc phối ướp trà và hoa, Hà triết lý: Mỗi loài hoa mang trong mình cá tính riêng biệt, có loài hoa mạnh mẽ, có loài hoa thanh nhã, có loài hoa dịu dàng. Trà cũng vậy, trà có khí chất đậm, khí chất nhu và cũng có khí chất ôn hòa. Hoa và Trà khi kết hợp với nhau không chỉ mang trong mình thanh, hương, sắc, vị, dược tính, mà còn biết yêu, ghét, buồn, vui…

Không chỉ kinh doanh sản phẩm chè, tại căn phòng thiền này, Hà còn mở các lớp dạy trà đạo miễn phí cho trẻ em từ 8 đến 15 tuổi. Bằng trải nghiệm của bản thân cộng với học hỏi thêm, ở các lớp học Hà nói về công dụng của trà với rèn luyện khí chất, sự kiên định, đức tính tiết kiệm, thanh cao; nét đẹp trong văn hóa và nghệ thuật trà Việt. Thông qua những buổi học như vậy cô truyền đến các em nhỏ sự biết ơn thiên nhiên, biết ơn giọt mồ hôi của người nông dân dãi dầu mưa nắng.

Công ty của cô dần được nhiều người biết đến, Lại Ngọc Hà (pháp danh Minh Ngọc) trở thành Ủy viên Phân ban Bảo trợ (Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Cô được mời tham dự nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến nghi thức tiệc trà của Giáo hội; được dẫn chương trình tại “Lễ hội đêm trăng” tổ chức tại Văn miếu Quốc Tử Giám (tháng 4/2023)…

Lớp học trà đạo

Hiện nay, Công ty của Hà mỗi tháng tiêu thụ hơn 1 tấn trà các loại. Cô đang nỗ lực tìm hướng xuất khẩu bền vững cũng như kêu gọi nhà đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất đa dạng các sản phẩm như trà túi lọc, chiết tách tinh chất, trà dược liệu đóng chai và mở rộng chi nhánh Trà Đạo Việt ra các thành phố lớn.

Mời tôi uống thêm chén trà nóng trước khi tôi tạm biệt trở về xứ Thái, Hà thủ thỉ: Cháu không vội vàng chạy theo doanh số mà ưu tiên hoàn thiện bản thân, doanh nghiệp của mình theo hướng chuyên nghiệp. Cháu phấn đấu để trở thành một doanh nhân có trái tim an tĩnh và luôn biết cho đi.

CTV Minh Hằng
thainguyen.gov.vn