Truy cập nội dung luôn

Thưởng trà ngày xuân ở Thành phố Hồ Chí Minh

Ở nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, từ bao đời nay uống trà trở thành nét đẹp văn hóa và nghệ thuật ẩm thủy. Đặc biệt dịp tết đến, xuân về, trong đêm trừ tịch, vào giây phút linh thiêng chuyển giao của trời đất và trong ba ngày tết thì việc dâng trà tổ tiên và thưởng trà là nghi thức mang đậm sắc thái văn hóa tâm linh, văn hóa trà truyền thống.

Dâng trà thần phật, tổ tiên                            

Tiền nhân bao đời của đất phương Nam (Nam Bộ) trong lịch sử không chỉ “mang gươm đi mở cõi”, mà còn mang theo nhiều nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có nghi thức dâng trà tổ tiên khởi đầu năm mới. Theo một số nguồn sử liệu, người dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) giàu hay nghèo, đều mua trà để pha trà dâng lên bàn thờ gia tiên, thần phật trong đêm giao thừa (trừ tịch) và ba ngày tết.

Dịp này giới nhà giàu hoặc “thường thường bậc trung” mua loại trà thượng hạng đắt tiền của các thương hiệu nổi tiếng nhập khẩu như: Long Tỉnh, Thiết Quan Âm, Trúc Diệp Thanh. Đây là những thương hiệu trà ngon nức tiếng, trong đó Long Tỉnh, Thiết Quan Âm là hai thương hiệu thuộc “thập đại danh trà” của Trung Quốc.

Đối với giới bình dân chủ yếu mua các loại trà Bảo Lộc (thuộc cao nguyên Lâm Đồng hiện nay), Gia Lai (Tây Nguyên), trà B’Lao (Lâm Đồng)… Từ sau năm 1975, nhất là trong vòng 20 năm trở lại đây, người thưởng trà ở Sài Gòn biết tiếng hương vị đặc sản trà Tân Cương (Thái Nguyên), trà ướp sen Tây Hồ (Hà Nội), trà Shan tuyết (Văn Chấn, Lào Cai), trà Shan tuyết cổ thụ Hà Giang…

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong ba ngày tết không thể thiếu trà để thực hiện nghi thức mang tính tâm linh, đó là dâng trà thần phật, tổ tiên. Nghi thức văn hóa tâm linh thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu thảo, trang trọng của con cháu đối với các bậc tiền nhân. Văn hóa tâm linh, nghi thức pha trà dâng lên trên ban thờ, gắn liền với văn hóa thưởng trà có từ lâu đời của dân tộc ta.

Nghi thức dâng trà bắt đầu vào thời khắc giao thừa linh thiêng. Người thực hiện nghi thức này là người đàn ông cao tuổi, mẫu mực, uy tín trong gia đình hay dòng tộc. Trước khi pha trà và dâng trà, thận trọng đem bộ ấm pha trà thờ cúng trên bàn thờ xuống rửa sạch bằng nước gừng, sau đó tráng nước nóng. Trà pha xong rót ra 3 chén hay 5 chén, dâng lên bàn thờ gia tiên và bàn thiên (ngoài sân). Trong hương trầm thoảng nhẹ, quyện với hương trà tinh khôi, một làn gió nhẹ lạnh se, đủ để ta cảm nhận phút giao hòa đất trời sang xuân.

Chén trà không thể thiếu trong những ngày xuân ở Nam Bộ. (Ảnh: Hiệp Phạm)

Khai xuân, thưởng trà

Sau nghi thức dâng trà đêm giao thừa, ấm trà đầu tiên của ngày đầu xuân năm mới (mùng một Tết) là ấm trà khai xuân. Cả nhà quây quần bên bàn trà để con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ và ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho con cháu.

Người dân thành phố mang tên Bác, trong cuộc sống ngày thường cũng như dịp tết, thưởng trà không cầu kỳ hoa mỹ, mà giản dị nhưng hết sức tinh tế từ cách lựa chọn từng loại trà, ấm trà và cách pha trà. Uống trà không chỉ là thú thưởng ngoạn tao nhã, mà còn là nghệ thuật tĩnh tâm.

Trong 3 ngày tết, bàn trà mỗi gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu và sang trọng không khác những mâm cỗ tết. Bộ ấm pha trà của mỗi gia chủ thường là sản phẩm gốm của Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Bát Tràng (Hà Nội) vì giữ được nhiệt lâu và không mất hương vị trà.

Ngày tết bộ ấm chén thưởng trà đặt bên khay bánh, kẹo, mứt truyền thống. Trên bàn trà có bình hoa rực rỡ, tôn thêm vẻ đẹp lung linh lộng lẫy của không gian thưởng trà xuân. Trang trí bàn trà, không gian pha trà và mời nhau thưởng trà dịp đầu xuân năm mới, từ lâu là văn hóa thể hiện sự tinh tế và lòng hiếu khách. Mời nhau thưởng trà vào ngày tết không đơn thuần để giải khát, mà là thể hiện văn hóa thanh cao, kết giao tri kỷ.

Để chén trà ngày xuân thơm ngon, trước khi pha trà rót nước sôi tráng ấm. Khi cho trà vào ấm, rót nước sôi tráng qua lớp trà đổ đi, gọi là rửa trà. Sau đó rót thêm nước sôi cho ngập trà, để vài phút cho ngấm, tiếp đó rót nước sôi đầy ấm, khoảng 3 phút sau thì rót ra mời khách thưởng thức.

Rót trà cũng là nghệ thuật. Khi rót trà từng thao tác thuần thục, uyển chuyển, ánh mắt chăm chú, miệng mỉm cười, thể hiện sự thân thiện tình cảm hiếu khách của gia chủ. Có thể nói, người pha trà đưa cảm xúc, tâm hồn vào ấm trà, để những người thưởng trà cảm nhận như có hương vị xuân nồng ấm của đất trời hội tụ trong từng chén trà.

Bạn trà ngày xuân là những người tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm nga thơ phú, chia sẻ chuyện gia đình, đàm luận về thế thái nhân tình. Khi Tết đến, xuân về, người dân Thành phố Hồ Chí Minh thường tổ chức hội trà (hội tụ những người bạn sành trà cùng chung vui) gọi là thưởng trà xuân. Dịp này họ cùng chung vui vừa thưởng thức những loại trà ngon, vừa mãn nhãn ngắm những chậu hoa đẹp quý hiếm trổ bông đón xuân sang.

Nhà thơ Lương Định
thainguyen.gov.vn