Truy cập nội dung luôn

Tản mạn về văn minh trà Việt

Theo sử sách, thế giới từng có những nền văn minh chè, trà: Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ một loại đồ uống, được con người thổi hồn vào đó những huyền thoại từ hình thức chế biến, pha chế, thưởng thức rồi cao hơn là triết lý nhân sinh…

 

Đã có người thắc mắc rằng, chè Việt Nam có từ bao giờ, nguồn gốc có phải từ Trung Hoa? Trà Việt có gì khác biệt so với ít nhất 3 nền văn hóa đã đề cập ở phần mở đầu bài viết? Đi tìm tư liệu về trà, đặc biệt là tham khảo những lý giải và khẳng định của giới sử học và văn hóa, chúng tôi bước đầu có những kiến thức quý báu về trà. Từ đó thêm tự hào về một đất nước Việt Nam giàu bản sắc, vô cùng nhân văn.

Nhân dân địa phương và du khách thưởng trà - sản phẩm trà được sao bằng phương pháp thủ công truyền thống ngay tại Lễ hội Hương sắc Trà xuân vùng chè đặc sản Tân Cương năm 2023

Minh chứng Việt Nam là cái nôi của chè thế giới, chúng ta đã có, từ các hoạt động khảo cổ và điều tra lâm sinh. Những rừng chè cổ thụ hơn 1 triệu cây với những cá thể chè hàng ngàn tuổi trên dãy núi Hoàng Liên bạt ngàn; những rừng chè cổ thụ hàng trăm cây ở sườn Đông dãy núi Tam Đảo thuộc xã Quân Chu, Minh Tiến, La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên); hơn 100 nghìn ha rừng chè Shan Tuyết ở Tà Xùa - Bắc Yên (Sơn La) đang được đồng bào Mông ở đó bảo vệ và khai thác. Những vùng chè cổ ở Nghĩa Lộ, Hà Tĩnh, Quảng Bình hay Hà Giang, Cao Bằng… đã lý giải về lịch sử và nguồn gốc cây chè trên đất nước Việt Nam.

Nhưng, cội nguồn một nền văn minh không thể chỉ nhìn từ cương thổ, địa lý mà còn trong tư liệu chính sử, câu chuyện dã sử, truyền thuyết, thư tịch cổ, văn hóa uống trà, khảo cổ học…

Công phu thuần dưỡng và trồng đại trà cây chè đã hơn nghìn năm nay. Khoa học chọn giống và lai tạo rầm rộ nhiều chục năm nay đã cho diện tích và sản lượng khổng lồ. Ngành sản xuất chè, trà hình thành và phát triển cực thịnh ở không ít các địa phương mà Thái Nguyên, Lâm Đồng, Phú Thọ là những tên tuổi lớn. Các vùng trồng chè chuyên canh ở Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); Trại Cài, Sông Cầu (Đồng Hỷ, Thái Nguyên); La Bằng, Bản Ngoại (Đại Từ, Thái Nguyên) hay Phú Hộ (Phú Thọ), Bảo Lộc (Lâm Đồng) là những địa chỉ của kỹ thuật trồng chè…

Nhiều tư liệu khẳng định tộc Việt từng biết uống trà trước tộc Hán bên Trung Quốc, ít nhất cũng nhiều trăm năm, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Sách Kinh Lễ của Khổng Tử (Khổng Khâu - 551-479 TCN) không hề nói đến trà. Kinh Thi là tác phẩm ghi chép lại các bài ca dao trong dân gian không hề có một chữ trà. Còn khi nói về Bách Việt, Khổng Tử nói: “Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà.” Với Đại Việt ta, từ góc độ cổ tích và truyền thuyết, bằng chứng cho nguồn gốc xuất xứ về trà đã xuất hiện từ thời Hùng Vương. Vào đời Hùng Duệ Vương, một bà quý phi của Vua Hùng đã về làng Văn Luông (nay là Văn Phú), vùng đất Tổ Phú Thọ, dạy dân trồng chè, trồng bông sinh sống. Để ghi nhớ công nghiệp khai sáng ấy của bà, vùng đất trồng chè, trồng bông năm xưa, dân cư tụ về sinh sống và đã tạo dựng nên xóm Bãi Chè, xóm Bông còn tồn tại tới ngày nay…

Để làm nên một nền văn hóa trà Việt, sự xuất hiện của đồ gốm có vị trí hết sức quan trọng. Những bộ dụng cụ pha trà (trà cụ) mà chúng ta có được qua khảo cổ đã minh chứng cho sự song hành của phát hiện cây quý, thuần dưỡng, chế biến, thưởng thức… đều mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Trà cụ Việt Nam ở các làng nghề như Chu Đậu, Bát Tràng mang nét sáng tạo, cao sang của nghệ thuật chế tác và nung luyện. Những bộ trà ngọc ngà, vàng bạc từ thời Hùng Vương (2879 - 258 TCN) hay của các triều đại phong kiến còn lưu giữ tại các bảo tàng. Các thư tịch chép lại trà cụ Việt Nam nhiều lần đoạt giải trong đấu xảo quốc tế. Trong sử dụng trà, cái lý thú và là bản sắc riêng của văn hóa trà Việt chính ở chỗ: Bên cạnh dòng trà dân gian, tiêu dùng của thường dân, lại có một dòng trà cung đình, ban đầu chỉ dành riêng cho vua chúa và tầng lớp thượng lưu quyền quý, nhưng sau đã lan tỏa ra toàn xã hội. Từ thế kỷ XVIII, dòng trà Cung đình Việt thanh cao và triết lý trà nô do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767 - 1782) khởi xướng. Một triết lý bình dị mà cao siêu, vừa giản đơn lại rất mực uyên thâm. Muốn thưởng thức được vị ngon của trà, hãy làm nô bộc cho trà! Vì tình nguyện làm nô lệ cho trà nên con người tìm trăm ngàn cách để đạt mục tiêu thưởng thức phiêu diêu nhất. Từ trồng ra sao, hái thế nào, sao sấy, lấy hương. Rồi ướp hoa gì, dùng nước gì để pha trà, pha bằng ấm gì, vào lúc nào… tất cả đều cầu kỳ, kỷ luật và văn hóa. Tôi đã nhiều lần đến thưởng trà tại Tiệm trà cụ Trưởng An nổi tiếng cả trăm năm nay ở thị trấn Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam để “mục sở thị”. Trà mộc ngon tiệm của cụ đặt mua ở Thái Nguyên, tiêu dùng đến đâu đánh mốc, lấy hương đến đó. Trà ướp sen có 2 loại phổ biến: Trà ướp nhuỵ sen đại trà và ướp trực tiếp. Ướp trực tiếp là đợi khi chiều xuống, bơi thuyền thúng ra hồ sen giữa mùa hoa nở, nhúm trà khô rắc vào đài sen, mặt trời lặn, hoa sen cụp lại, ủ trà trong đó. Sáng hôm sau khi mặt trời lên, hoa sen nở, người ta rũ lấy trà. Người chèo thuyền hái hoa không quên mang theo âu đựng lấy những giọt sương đọng trên lá sen về đun nước pha trà. Diệu vợi chút nhưng tuyệt đỉnh của thưởng trà.          

Vùng chè Hoàng Nông, huyện Đại Từ

Tính cộng đồng cao là thuộc tính quý giá trong văn hóa trà dân gian Việt. Uống nước chè không còn mang ý nghĩa giải khát đơn thuần mà trở thành chất xúc tác gắn kết cộng đồng, góp phần làm thăng hoa văn hóa làng xã của cư dân nông nghiệp lúa nước. Sân đình là nơi tụ họp của cả làng và không lúc nào thiếu trà…

Văn hóa trà Việt len lỏi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, sẽ tồn tại vĩnh hằng trong đời sống kinh tế, văn hóa người Việt Nam bởi tính lịch sự, tao nhã mà đượm tình, đượm nghĩa:

Mấy khi khách đến chơi nhà

Đốt than quạt nước pha trà người xơi

Trà này quý lắm người ơi

Mỗi người một chén cho tôi vừa lòng.

Hữu Minh
thainguyen.gov.vn