Truy cập nội dung luôn

Phát triển cây chè gắn với du lịch cộng đồng

Nhờ phát triển cây chè đã tạo nên cảnh quan tự nhiên, xanh mát và tại nhiều địa phương đã hình thành những điểm đến hấp dẫn của du khách. Phát triển cây chè gắn với du lịch nhằm nâng cao đời sống người dân các vùng trồng chè; đồng thời, quảng bá sản phẩm chè Thái Nguyên đến với du khách đang được người dân và các địa phương nỗ lực triển khai.

Cùng với việc nâng cao phát triển các sản phẩm chè, Hợp tác xã Chè Khe Cốc đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay, phòng thưởng trà, tạo cảnh quan để du khách check-in

Được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu thuận lợi, bao quanh là đồi núi khe suối, nhiều năm qua, vùng chè Tức Tranh, huyện Phú Lương được biết đến là vùng chè nổi tiếng với những sản phẩm trà có vị đặc trưng riêng. Cùng với việc nâng cao phát triển các sản phẩm chè, năm 2022, anh Tô Văn Khiêm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Khe Cốc đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay, phòng thưởng trà, tạo cảnh quan để du khách check-in, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc chè và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Anh Tô Văn Khiêm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên chia sẻ: "Đi vào hoạt động từ cuối năm 2022 đến nay, chúng tôi đã đón được 4 đoàn khách quốc tế và 2 đoàn khách trong nước. Chúng tôi thấy rằng những khách du lịch mang những sản phẩm trà đi cũng là kênh giới thiệu sản phẩm tốt. Từ nay đến năm 2026 và dài hạn hơn, chúng tôi sẽ xây dựng xóm Khe Cốc trở thành miền quê đáng sống. Toàn bộ bà con Khe Cốc sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ làm du lịch cộng đồng".

HTX Trà Cao Sơn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa trà

Tại hồ Ghềnh Chè, một điểm đến hấp dẫn của TP Sông Công, bên cạnh phát triển các dịch vụ trải nghiệm mới cho mô hình du lịch sinh thái cộng đồng thì du lịch làng nghề chè cũng được HTX Du lịch cộng đồng ở đây chú trọng. Mùa nào thức ấy, tận dụng sản vật sẵn có để tôn vinh sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, người dân làm du lịch đã nhận được nhiều quả ngọt từ sự nỗ lực làm mới các dịch vụ du lịch.

Bà Lê Thị Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Trà Cao Sơn, xã Bình Sơn, TP Sông Công cho hay: "Chúng tôi đặt tình yêu và niềm vui vào những bông hoa sen ướp trà để du khách thưởng thức và nhớ mãi".

Anh Trần Đại Cương, HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, TP Sông Công cho biết: "Du khách đến đây sẽ được khám phá và trực tiếp chứng kiến quy trình sản xuất, chế biến và thưởng thức tại cơ sở; sản phẩm trà cũng bán được nhiều. Hiện đang có 13 hộ tham gia và 50 hộ liên kết. Sản lượng chè tươi đạt vài trăm tấn/năm".

Ngoài ra, có thể kể đến các điểm du lịch gắn với phát triển văn hóa trà tại La Bằng, Hoàng Nông và Quân Chu của huyện Đại Từ, điểm du lịch điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà tại xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Việc khai thác nguồn tài nguyên có sẵn cùng với sự đầu tư và tư duy mới về làm du lịch cộng đồng, những người nông dân đang sống bằng nghề đang nỗ lực mỗi ngày để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm trà đến với đông đảo người dân và khách du lịch. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cũng như tạo sinh kế, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo./.


thainguyentv.vn