Truy cập nội dung luôn

Nhà giáo với trà

Trà là thức uống phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhìn quanh ta, ai cũng có thể uống trà, say mê trà dù ở độ tuổi và nghề nghiệp nào. Các bác lao động tự do uống trà ở quán ven đường, anh nông dân uống trà sau buổi cày, cán bộ viên chức các ngành uống trà sau lúc ăn, hoặc trước khi ngồi vào bàn làm việc …Vậy, nhà giáo uống trà, mê trà có gì giống và khác với mọi người?

Với nhà giáo uống trà là phương pháp để tu tâm, dưỡng tính, luyện tính cách khiêm nhường và lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. (Trong ảnh: Phòng thưởng trà Vĩnh Xuân của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương - Ảnh: Đỗ Tuấn)

Thực ra, uống trà, thậm chí nghiện trà có nhiều cấp độ và nhiều ý nghĩa rất khác nhau. 

Thứ nhất: Uống trà, nghiện trà như uống một thứ nước giải khát, một thú vui ẩm thực. Lâu rồi thành quen. Nó cũng không khác gì thú vui uống nước vối của một số bạn bè tôi. Có thì thích. Không có thì rồi cũng quen dần và chuyển sang một thứ nước hãm từ loại lá cây khác.

Thứ hai: Uống trà, nghiện trà như một nhu cầu sinh học và tâm lý không thể bỏ.

Với một số người, uống rồi nghiện trà từ khi còn trẻ, không thể bỏ. Họ sành sỏi trong việc chọn, pha, uống trà. Có thể gọi đó là những “cao thủ” trong làng trà, từng uống vài chục loại trà trong và ngoài nước. Nhưng tất cả ở trình độ thưởng thức trà rất cao. Có được nhờ uống trà lâu năm, để tâm ghi nhớ và suy ngẫm về trà mà thôi. Có thể gọi họ là học giả, là chuyên gia về trà.

Thứ ba: Uống trà như một hành vi văn hóa, để tu tâm dưỡng tính, khai mở thêm trí tuệ, trong một trạng thái “Thiền” đặc biệt. Khá nhiều nhà giáo uống trà thuộc vào cấp độ thứ ba này. Họ không cần kén ấm pha trà thật cổ kính: “Thứ nhất Thế Đức gan gà/Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần” (Tên ba loại ấm trà cổ nổi tiếng Trung Hoa) 

Họ cũng không cầu kỳ quá trong việc chọn trà độc lạ để uống: Đâu cần đến Trảm Mã Trà, Trảm Ngưu Trà (giá đến mức nửa lạng vàng/ một lạng trà)? Cũng chẳng cần tìm đến trà Ô Long bên Trung Hoa, trồng đến vài chục năm cây trà mới cao hơn một gang tay, đến vụ mỗi cây trà cổ thụ ấy cho được khoảng 10 búp. Phải hái búp trà từ vài chục cây trà như thế, sao tẩm theo bí quyết riêng, mới đủ pha một ấm trà?  Một số nhà giáo chỉ tìm trà Việt ngon, mà ngon nhất là trà Thái Nguyên.

Nhà giáo tìm thấy ở trà sự đồng điệu ở một phẩm chất tuyệt vời: “Thanh cao trong sự giản dị, lặng thầm”. Đây cũng là phong thái đích thực của những nhà giáo chân chính. Có nhiều trọc phú giàu mà không sang. Nhà giáo có thể không giàu mà vẫn sang, họ có trí sáng, tâm thiện, hết lòng cho nghề “chăm hoa” cho đời, tài năng nhưng luôn khiêm tốn. Trà ngon cũng giống như họ vậy. Chịu gian khó của nắng dội, mưa chan. Lặng lẽ hút từ đá sỏi khô cằn chút ngọt lành, dồn tụ hương vị vào búp chè bao ngày tháng. Qua thử thách của lửa đỏ sao suốt, mới thành trà búp. Không kiêu sa, ồn ào, trà thầm lặng ngọt chát, tỏa hương dịu nhẹ. Tri âm trân trọng. Sao nghề giáo và trà lại có nhiều điểm tương đồng về phẩm chất và thân phận đến thế?

Rồi những đêm đông dài giá lạnh, thao thức để chấm bài, soạn giáo án, nhà giáo lại làm bạn với tri kỷ là ấm trà ngon. Trà xua đi mệt nhọc, làm trí tuệ minh mẫn hơn, để lâu dài hơn, trà cùng người giao hòa, soi vào nhau để cùng thanh cao trong giản dị, cống hiến trong lặng thầm.

Có thể nói, với nhà giáo uống trà là phương pháp để tu tâm, dưỡng tính, luyện tính cách khiêm nhường và lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Với trà, nhờ nhà giáo mà trở thành bạn hiền của trí thức, thành tri âm của những ai sống nội tâm, sâu sắc, đề cao những giá trị tinh thần mang ý nghĩa nhân văn cao quý.

Tôi cũng là một nhà giáo nghiện trà. Bởi vậy, tôi xin gửi tới trà một đôi lời trân quý:

 “Gói trà mộc mạc gửi đi/ Búp mong búp nhớ thương ghì lấy nhau/ Rượu ủ kĩ. Trà giục mau/ Rượu để quên. Trà thức đau đáu chờ/ Hương thơm mỏng như tiếng tơ/ Tri âm ngậm mãi giấc mơ của trà/ Thơm gọi khẽ. Gió. Đường xa/ Có cầu nào bắc để qua nỗi chờ?/ Ngọt thì ít. Chát sững sờ/ Phận trà nào khác phận thơ một người?/ Người vô tâm uống rồi cười/ Người biết đau uống ngậm ngùi nhìn xa.../Trong ấm trà có phong ba/ Dưới đáy chén có thiên hà đang tan/ Chén nghiêng. Mưa lạnh. Đêm tàn/ Tóc người đã hóa bao làn hương say/ Trà thì ít. Bão thì nhiều/ Lỡ tay gói cả một chiều mưa xa…”

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Đức Hạnh
thainguyen.gov.vn