Truy cập nội dung luôn

Nhà có hai nghệ nhân trà

Chúng tôi vui lắm, vinh dự, tự hào lắm cô ạ. Nghĩ lại thương chúng nó, tự bươn chải mà có ngày hôm nay, chứ vợ chồng tôi nghèo, có giúp được gì nhiều đâu…

 

Nghệ nhân Vũ Thị Thanh Hảo giới thiệu về HTX chè Thịnh An tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam (từ ngày 8 đến 10/12/2022)

Một chiều cuối năm, trong cái rét đậm ở vùng chè Sông Cầu, tôi nhấp ngụm trà ngon, lắng nghe câu chuyện của ông Vũ Tá Quý (82 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hiền (78 tuổi) là bố mẹ của hai con gái: Vũ Thị Thanh Hảo và Vũ Thị Thương Huyền - hai người vừa được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong danh hiệu Nghệ nhân làng nghề và Nghệ nhân văn hóa ẩm thực làng nghề (tháng 11/2022).

Nói đến nghệ nhân là nói đến mối quan hệ khăng khít của họ với làng quê, gia đình, gốc gác nơi họ sinh ra. Đó cũng là lý do tôi tìm gặp bố và mẹ của Hảo và Huyền và được nghe ông bà thổ lộ như vậy.

Ông Quý (quê Hà Nội) và bà Hiền (quê Hưng Yên) về sinh sống tại Sông Cầu (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) từ năm 1970. Làm việc tại Nông trường Chè quốc doanh Sông Cầu, gắn bó với vùng chè, cây chè, nghề làm chè, sinh ra những đứa con trong nghèo khó và chiến tranh, ông bà có nhiều kỷ niệm gắn với mảnh đất Sông Cầu. Ông Quý kể: Hơn nửa thế kỷ trước, Sông Cầu heo hút, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn. Chúng tôi ăn lương Nông trường, nhưng phải lao động kiếm thêm mới nuôi nổi 5 đứa con. Gia đình tôi tìm một góc đồi rộng, ở xóm Liên Cơ (nay là tổ 2, thị trấn Sông Cầu), dựng lên ngôi nhà nhỏ (nay là cơ sở sản xuất của Hợp tác xã chè Thịnh An).

Bà Hiền làm công nhân Đội hái chè, ngoài giờ ở nông trường, bà cùng các con trồng sắn, trồng chè. Hảo sinh 1973, Huyền sinh 1974, hai chị em lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, gia đình thiếu thốn. Họ quấn quýt với cây chè, chảo chè, hương chè từ khi mới sinh ra. Bà Hiền ngậm ngùi kể: Làm chè ngày ấy sao bằng tay, vò bằng chân, giấu giấu diếm diếm mang xuống chợ Thái bán. Mỗi lần hái sao được 1 - 2 cân thôi chứ có nhiều nhặn gì. Hảo và Huyền phải lao động từ bé, 12 giờ đêm vẫn thức sao chè cùng mẹ. Ăn thì sắn khoai thay cơm, mặc thì quần áo rách. Năm 1998 - 2000, được đi học ở Học viện Thanh thiếu niên Trung ương (Hà Nội), Huyền phải đi dọn nhà thuê tuần 3 buổi và phụ quán bán bánh để có tiền ăn học. Còn Vũ Thị Thanh Hảo trước khi trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ), đã theo nghề giáo viên. Nhưng dường như mang “nghiệp chè” từ lúc sinh ra, Hảo có khứu giác đặc biệt nhạy bén. Cầm vốc chè lên tay, cô biết trong đó có thành phần của các giống chè nào, tỷ lệ pha trộn bao nhiêu phần trăm. Cô thử nghiệm và làm ra dòng trà được nhiều người yêu thích vì vừa thơm, vừa chát nhẹ, ngọt hậu. Khi ở đồi chè, khi đi kiểm tra vùng nguyên liệu, khi cùng công nhân sao chè, đóng gói, khi “bôn ba” khắp đất nước tham gia hội chợ, triển lãm… lúc nào tôi cũng thấy Hảo tươi tắn, hiền hậu. Chị nói với tôi về những cân chè đủ tiêu chuẩn ra nước ngoài của HTX chè Thịnh An; việc chuẩn bị đón các đoàn học sinh từ Hà Nội lên Sông Cầu tham quan, trải nghiệm; về yêu cầu khắt khe nguyên liệu đầu vào để “kiểm tra bằng bất kể loại máy móc nào thì chè Thịnh An chúng em cũng luôn tự tin về các chỉ số an toàn”.

Nếu như Hảo có tay làm thì Huyền lại có tài tổ chức, định hướng và khả năng truyền đạt. Rời vị trí Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu hơn 1 năm trước, chị đảm nhiệm chức vụ Giám đốc HTX chè Thịnh An và chính thức bước vào nghề sản xuất kinh doanh chè.

Để trở thành Nghệ nhân trình diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực trà, từ 10 năm trước Huyền đã chuẩn bị cho mình từng tiêu chí. Chị tham gia truyền giảng về chè cho nhiều chương trình tập huấn trong tỉnh; các vùng chè như Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), Tân Linh (huyện Đại Từ), Tân Lợi (huyện Đồng Hỷ) là nơi lui tới quen thuộc của chị. Đặc biệt “cô giáo Huyền” được các bạn nhỏ đến trải nghiệm tại vùng chè Sông Cầu rất yêu mến. Chị cũng đặc biệt say mê tìm hiểu về văn hóa trà và mong muốn lan tỏa chiều sâu văn hóa từ cách pha trà, mời trà đến các hộ gia đình làm chè ở thị trấn Sông Cầu. Chị chắt chiu tiền lương tham gia một số khóa học về ẩm thực, để hiểu sâu nhất có thể về nghề chè mình đang theo đuổi. Huyền cũng là 1 trong 20 thành viên phía Bắc được lựa chọn tham gia chương trình SIB - bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội, tổ chức ở thành phố Huế tháng 12/2022. Huyền tiết lộ: “Ngoài công việc phát triển thị trường cho HTX chè Thịnh An, em còn nghiên cứu khoa học. Sản phẩm dầu trà dành cho mỹ phẩm và thực phẩm của em đã được cấp nhãn hiệu bảo hộ, hiện em đang lên kế hoạch sản xuất”.

Nghệ nhân Vũ Thị Thương Huyền cùng bố mẹ của cô tại buổi Lễ phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề, tháng 11/2022

Trở thành nghệ nhân, hai chị em Hảo và Huyền càng thấy mình cần gắn bó với quê hương nhiều hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân quê chè. Đó chính là những hợp đồng bao tiêu nguyên liệu ổn định, giá cao, khuyến khích người trồng chè yên tâm làm chè sạch; đó là chiến lược quảng bá sản phẩm, phấn đấu “phủ hàng” khắp đất nước, đưa thương hiệu chè Sông Cầu bay xa; đó là ý tưởng biến vùng chè thành địa điểm du lịch, trải nghiệm, đa dạng hóa nguồn thu cho nông dân. Riêng Huyền có lần đau đáu nói với tôi: Làm sao để “giữ” được những nhân chứng của Nông trường Chè quốc doanh Sông Cầu một thời? Em muốn làm một cuốn phim tư liệu hoặc viết về họ? Em sợ thêm vài năm nữa, Sông Cầu sẽ không còn nhiều người hiểu về gốc gác quê hương chị ạ.

Danh hiệu nghệ nhân không chỉ mang lại niềm tự hào cho gia đình ông bà Quý - Hiền, mà cũng là niềm vui chung của bà con Sông Cầu. Nơi này đang cần lắm những người tâm huyết với cây chè như Hảo và Huyền.

CTV Ngô Minh
thainguyen.gov.vn