Truy cập nội dung luôn

Nghiên cứu đề nghị công nhận các cây chè cổ Núi Bóng là cây di sản

Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên vừa phối hợp cùng Hội Chè Thái Nguyên và Hội Chè Đại Từ tổ chức hành trình khảo sát, tìm hiểu những cây chè cổ thụ ở Núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Sau chuyến khảo sát, GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên đã có những chia sẻ thú vị với phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.

GS.TS Đào Thanh Vân (bên phải ảnh) tại khu rừng Núi Bóng

P.V: Trước hết, GS.TS Đào Thanh Vân có thể chia sẻ những cảm nhận và kỷ niệm đặc biệt của mình trong chuyến khảo sát cây chè cổ thụ vừa qua?

GS.TS Đào Thanh Vân: Nhân thực hiện Lớp tập huấn với chuyên đề “Định hướng và giải pháp phát triển sản xuất chè bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên” do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức cuối năm 2023, tôi có dịp gặp gỡ với ông Nguyễn Văn Thụy, dân tộc Tày, ở thôn Lưu Quang 5, xã Minh Tiến (Đại Từ) - là người chuyên đi rừng lấy cây thuốc về chữa bệnh, cũng là người đã phát hiện ra những cây chè cổ thụ trên Núi Bóng từ hơn chục năm trước. Ngay lúc đó, trong tâm trí tôi đã thôi thúc phải làm sao đến tận nơi để kiểm chứng, kịp thời có các nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý, bản tồn và phát triển những cây chè qúy này. Chính vì vậy, ngay cuộc họp của Thường trực Chi hội Nông nghiệp hữu cơ được tổ chức trong tháng 2/2024 tại Công ty cổ phần chè Hà Thái (xã La Bằng, huyện Đại Từ) đã thống nhất nội dung: Chi hội cần phối hợp ngay với Hội Chè Thái Nguyên, Hội Chè Đại Từ tổ chức chuyến khảo sát cây chè cổ thụ Núi Bóng. Sau 2 tuần thông báo chuyến đi, đã có gần 100 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia, với nhiều thành phần tham dự. Điều này đã mang lại cảm xúc rất đặc biệt khi ý tưởng của các nhà khoa học, nhà quản lý được cộng đồng đón nhận, hưởng ứng.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên và bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội Chè Đại Từ trong hành trình xuyên rừng đến với cây chè cổ thụ Núi Bóng

Mặc dù chuyến đi tương đối vất vả vì phải xuyên qua khu rừng đặc dụng, dốc cao, mù ẩm, muỗi, vắt… nhưng tất cả mọi người tham gia đều rất khí thế. Chuyến đi an toàn và thành công tốt đẹp, nhiều người được tận mắt ngắm nhìn, check-in với các cây chè cổ thụ trên Núi Bóng cùng các truyền thuyết và dấu tích của giếng nước thời nhà Mạc, vị trí “đất thủng” (khoảnh đất mà tất cả nước núi đổ vào cũng mất hút), khu rừng vầu rộng hàng chục héc-ta có cây to, thẳng tắp, cao đến 15 - 20 m, trông như những bó đũa khổng lồ trong rừng già, thật là hùng vĩ và quý giá. Từ đó đã làm dâng trào tình yêu thương với “mẹ thiên nhiên” khi chưa bị các tác động tiêu cực của con người.

GS.TS Đào Thanh Vân và ông Nguyễn Văn Thụy, dân tộc Tày, ở thôn Lưu Quang 5, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ (bên trái ảnh) - là người phát hiện ra những cây chè cổ thụ trên Núi Bóng từ hơn chục năm trước

P.V: Dưới góc độ chuyên môn, Giáo sư đánh giá như thế nào về những cây chè cổ ở Núi Bóng?

GS.TS Đào Thanh Vân: Quần thể các cây chè cổ thụ Núi Bóng là tài sản quý của thiên nhiên và lịch sử để lại, so sánh với các cây chè cổ thụ ở các nơi khác như Suối Giàng (Yên Bái), Tủa Chùa (Điện Biên), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Chợ Đồn (Bắc Kạn)… thì các cây chè cổ thụ Núi Bóng thuộc hàng “anh chị” vì chưa đâu ở Việt Nam có. Những cây chè cổ từ 1 - 2 người lớn ôm không xuể, cao đến trên 30 m, đồng thời lại gắn với các truyền thuyết lịch sử. Để xác định chính xác tuổi đời, nguồn gốc, xuất xứ và giống của cây cần có các nghiên cứu chuyên sâu, sự vào cuộc kịp thời của các nhà quản lý và nhà khoa học. Tuy nhiên, trước mắt cần có ngay các giải pháp để bảo vệ các cây chè cổ thụ Núi Bóng, tránh tình trạng “sự đã rồi”, khi các “cụ chè xuống núi” và không bao giờ trở lại nữa.

Vùng đất trũng, truyền thuyết giếng nhà Mạc và mốc điểm cao 851 m so với mực nước biển (đỉnh cao nhất của Núi Bóng) - nơi có mốc phân chia địa giới 3 huyện: Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) và huyện Định Hóa, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên)

P.V: Vị trí các cây chè cổ có nhiều dấu tích từ thời nhà Mạc, điều này có gợi mở gì về hướng nghiên cứu mới về nguồn gốc, xuất xứ của cây chè cổ Núi Bóng, thưa Giáo sư?

GS.TS Đào Thanh Vân: Vị trí phát hiện các cây chè cổ thụ Núi Bóng phân bố nhiều ở độ cao từ 600 - 800 m so với mực nước biển, gần vùng đất trũng có bờ đất cao xung quanh, nơi truyền thuyết là giếng của nhà Mạc trữ nước từ thế kỷ 16. Tuy nhiên, để chính xác cũng cần có sự phối hợp nghiên cứu và kết luận của các nhà khoa học nông nghiệp, khảo cổ, lịch sử… với các bằng chứng xác thực. Hiện nay, với khoa học hiện đại có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến như (phương pháp PCR và real-time PCR) để xác định tính đồng dạng/khác biệt di truyền giữa chè cổ thụ Núi Bóng với các giống chè khác; hoặc sử dụng phương pháp carbon phóng xạ để xác định niên đại mộc thụ (tuổi đời) của cây; đồng thời cũng bằng phương pháp carbon phóng xạ sẽ xác định được tuổi đời các cổ vật của người xưa, thu thập được ở khu vực cây chè cổ thụ Núi Bóng. Khi có các bằng chứng khoa học về sinh học, cổ học và lịch sử… các nhà khoa học sẽ tổng hợp để trở thành các công bố có giá trị về cây chè cổ thụ Núi Bóng gắn với các chứng tích lịch sử.

Rất nhiều cây chè con được mọc từ hạt của cây chè cổ thụ Núi Bóng

P.V: Như GS.TS. Đào Thanh Vân đã chia sẻ, những cây chè cổ Núi Bóng đều có tuổi đời cao và giá trị về nhiều mặt, ông có gợi ý gì về việc bảo tồn các cây chè cổ và giống chè quý nơi đây?

GS.TS Đào Thanh Vân: Cây xanh có tuổi đời cao, là chứng nhân lịch sử của sự biến động, đổi thay của một vùng đất, của nhiều thế hệ con người và thường có giá trị nhiều mặt về sinh học và văn hóa. Ở Việt Nam, từ năm 2010, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã khởi xướng việc tuyển chọn, vinh danh cây di sản với tên gọi “Bảo tồn cây di sản Việt Nam” được nhiều địa phương hưởng ứng. Từ đó đến nay, cây di sản Việt Nam đã được công nhận ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ mà còn là chứng nhân lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ.

Chè là cây gắn bó với người Việt từ lâu đời, hiện nay là một trong những cây sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, nhiều tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có chè cũng đã nghiên cứu đề xuất các cây chè cổ thụ là cây di sản: Chè Suối Giàng, tỉnh Yên Bái (năm 2006); chè Vân Hồ, tỉnh Sơn La (năm 2022); chè Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên (năm 2022); chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (năm 2022) và chè Hoàng Thu Phố, tỉnh Lào Cai (năm 2023) đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.  

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã về chè (thành viên trong Đoàn khảo sát) check-in lưu giữ kỷ niệm với cây chè cổ thụ trên Núi Bóng

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất trong cả nước (22,2 nghìn ha và 267,5 nghìn tấn búp tươi), giá trị sản phẩm sau chế biến trên 12,3 nghìn tỷ đồng. Chè là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, giá trị kinh tế cao và có thể tích hợp nhiều giá trị về văn hóa và du lịch. Cây chè gắn bó với đất và người Thái Nguyên từ lâu đời, được vinh danh là “Đệ nhất danh trà”. Qua truyền thuyết các cây chè cổ thụ Núi Bóng có từ thời nhà Mạc (1527 - 1592), nếu tính đến nay có thể đã 300 - 400 năm. Qua khảo sát sơ bộ, các cây chè cổ thụ Núi Bóng vẫn đang tồn tại, mặc dù cũng đã bị mai một nhiều. Do vậy, cần có nghiên cứu nhằm đánh giá được thực trạng, đặc điểm nông, sinh học và phân tích chất lượng của những cây chè cổ này, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận là cây di sản Việt Nam cho tỉnh Thái Nguyên. Với nội dung này, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên đã có đề xuất với ngành Khoa học và Công nghệ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho phép được tiến hành đề tài cấp thiết ngay từ năm 2024. Đây là cơ sở thực hiện các bước tiếp theo để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, quảng bá, phát triển giống chè cổ Núi Bóng và thực hiện mong muốn của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đưa sản phẩm chè Thái Nguyên đạt giá trị 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Khi được công nhận là cây di sản Việt Nam thì các cây chè cổ thụ Núi Bóng sẽ được hưởng các điều kiện ưu đãi theo quy định của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Việc công nhận chè cổ thụ Núi Bóng không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học mà còn bảo tồn nét văn hóa dân tộc và nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên trong nước và quốc tế.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn