Truy cập nội dung luôn

Nghệ sĩ của vùng chè

Nhiều năm theo đuổi vẻ đẹp của những đồi chè, năm 2022 vừa qua, thành công liên tiếp đến với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa (64 tuổi, thường trú tại phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên) khi ông liên tục được tôn vinh tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật. Tác phẩm “Mùa thay lá” giành Huy chương Bạc tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 2, năm 2022; tác phẩm “Nắng sớm” giành giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tác và Triển lãm ảnh nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2022 chủ đề “Nắng mới xứ Trà”.

NSNA Vũ Kim Khoa

Điều đặc biệt là cả 2 bức ảnh nghệ thuật nói trên đều được Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Kim Khoa chụp cùng lúc, tại cùng một địa điểm. Về nhiếp ảnh, tên tuổi Vũ Kim Khoa từ lâu đã vang danh trong và ngoài nước với mảng đề tài công nghiệp. Những bức ảnh chủ đề “Thép Thái Nguyên” đã giúp ông thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật và đạt được nhiều danh hiệu như: “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam”, AVAPA (NSNA của Hội NSNA Việt Nam), EVAPA (NSNA xuất sắc của Hội NSNA Việt Nam), ESVAPA (NSNA đặc biệt xuất sắc).

Năm 2017, vượt qua hơn 10 nghìn tác phẩm tham dự, bức ảnh “Thung lũng Bắc Sơn” của ông đã xuất sắc giành cúp “Ảnh ASEAN - 2017” trong Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN 2017” nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Cùng với thép, Thái Nguyên còn nổi tiếng về chè. Đây cũng là đề tài được ông sớm nhắm tới. Năm 2006, bộ ảnh chè đầu tiên của ông đã được Hội NSNA Việt Nam trao giải. Kể từ đó, bên cạnh những chuyến đi săn tìm vẻ đẹp về con người, về thiên nhiên khắp mọi miền Tổ quốc, ông luôn dành đam mê cho những vườn chè tại các huyện, thành của Thái Nguyên.

Tác phẩm “Nắng sớm” giành giải Nhất Cuộc thi Sáng tác và Triển lãm ảnh nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2022 chủ đề “Nắng mới xứ Trà”

NSNA Vũ Kim Khoa cho rằng một bức ảnh đạt tiêu chuẩn phải có 3 tiêu chí: Bố cục, ánh sáng, thời điểm. Trong hành trình sáng tác, bám sát đối tượng sáng tác, khai thác đến cùng cái mới, cái đẹp, không tiếc thời gian, nguyên liệu là nguyên tắc tác nghiệp của ông. Chính vì thế, để có một bức ảnh đẹp, ông vô cùng kiên trì, không quản ngại vất vả, tốn biết bao thời gian, công sức. Hai tác phẩm “Mùa thay lá” và “Nắng sớm” được chụp tại vườn chè xóm Trung Thành, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ là thành quả của công lao khó nhọc. Nói về những vùng chè có phong cảnh đẹp thì vùng này chưa bao giờ được nhắc tới. Song con mắt của nghệ sĩ giỏi nghề Vũ Kim Khoa đã nhận ra ngay vẻ đẹp hiếm có trong một lần ông bị lạc đường. Sau đó là rất nhiều lần ông quay trở lại vào nhiều thời điểm: Sáng, trưa, chiều hay mùa hạ, mùa thu… Đến một buổi sáng cuối thu, đầu đông năm 2021, ông đã chụp được những bức ảnh ưng ý nhất. Cả 2 bức ảnh trên đều được chụp vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng.

Ảnh “Chè La Bằng” của NSNA Vũ Kim Khoa

Chiêm ngưỡng bức ảnh, nhiều người đã phải thốt lên: Thật tuyệt! Phải là người có đầu óc thẩm mỹ mới trồng được hàng cau bên đồi chè đẹp như vậy. Nhưng, nếu không phải là nghệ sĩ đích thực như Vũ Kim Khoa thì hàng cau bên đồi chè mãi mãi chỉ là hàng cau để ông chủ hái quả hoặc ngắm nghía. Sẽ chẳng ai biết được cảnh đẹp mộc mạc đơn sơ đến thế và chủ nhân đã tạo dựng ra vẻ đẹp này là ai.

NSNA Vũ Kim Khoa tâm sự: Từ ngày gắn với cái máy ảnh, mỗi lần dự thi, nếu may mắn có được phần thưởng nào đó, thì điều đầu tiên tôi hay nghĩ về những kỉ niệm xung quanh bức ảnh đó… Lần này tôi nghĩ về vóc dáng gầy gò của người nông dân có tên là Trương Văn Cải ở xóm Trung Thành. Thấy tôi loanh quanh bên đồi chè, ông tới gần và nói to: “Chào nghệ sĩ! Hôm nay anh lại đến đây chụp ảnh à?… Trong câu chuyện khi đang đợi nắng, tôi thành thực giãi bày: “Giữa tôi và bác, thì cái danh “nghệ sĩ” phải gắn cho bác mới là phải lẽ. Không có ý tưởng trồng cau quanh đồi chè, rồi kiên nhẫn chăm bẵm chúng suốt mấy chục năm của bác, thì tôi làm sao có được bối cảnh tuyệt vời này để mà ghi hình!?”. Cảm ơn ông Trương Văn Cải - người nông dân “biết đưa cái đẹp vào cuộc sống của mình”. Ông là người sáng tạo và bởi thế ông chính là nghệ sĩ! Nhờ có ông, tôi mới có cơ hội để chụp bức ảnh này.

Ảnh “Vào thu” của NSNA Vũ Kim Khoa

Về “nghệ sĩ nông dân” Trương Văn Cải, năm nay tròn 70 tuổi, là bộ đội nghỉ hưu, ông cũng là một trong những hộ làm chè giỏi của xóm. Hiện tuổi cao, các con đều đã trưởng thành, ông bà chỉ “túc tắc” chăm 3 sào chè và dành nhiều thời gian chăm sóc cảnh quan vườn tược. Ông đặc biệt thích trồng cau, quanh nhà có đến hàng trăm cây cau. Cau là giống cau ta, ông để quả chín, tự ươm, tự trồng, không cần chăm sóc nhiều. Cau không chỉ tạo cảnh đẹp cho làng quê mà còn cho thu nhập khá tốt nhờ bán quả. Trung bình, mỗi cây cau mỗi năm cho 2 - 3 buồng, 1 buồng to đến 20 kg, có thời điểm bán được 50 nghìn đồng/kg. Trước đây chỉ có người buôn cau, người buôn chè tìm đến và xuýt xoa trước vẻ đẹp của hàng cau bên vườn chè. Qua những tác phẩm của NSNA Vũ Kim Khoa, vẻ đẹp này đã được quảng bá rộng rãi, không chỉ là vẻ đẹp của riêng gia đình ông Cải hay của xóm Trung Thành, mà còn là vẻ đẹp ấn tượng về Thái Nguyên nói riêng, của thiên nhiên, đất nước, con người khu vực miền núi phía Bắc nói chung.

Ảnh “Hàng cau soi bóng trên vườn chè” của NSNA Vũ Kim Khoa

Cái đẹp trong tác phẩm phong cảnh chè của NSNA Vũ Kim Khoa không chỉ là vẻ đẹp của đường nét, hình khối, sắc màu của chè, mà bằng một cách kín đáo, tinh tế, nghệ sĩ đã phản ánh cả quá trình lao động miệt mài cùng khối óc sáng tạo, tài hoa của người làm chè xứ Thái.

CTV Ngọc Khuê
thainguyen.gov.vn