Truy cập nội dung luôn

Ấm nồng chén trà giữa gió đông lãng đãng

Người Hà Nội và người dân miền Bắc thường gọi một cách dân dã trà nóng được bán trên vỉa hè là “chè chén”. Và uống chè chén, nhất là ngày đông, thú vị lạ lùng.

Ảnh minh họa: An Thành Đạt

Không biết chè chén xuất hiện tự bao giờ, nhưng hình ảnh hàng chè chén trên đường phố Hà Nội đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người. Đây có lẽ cũng là thức uống tao nhã mà đơn giản bậc nhất của người Hà Nội. Trà mạn (chè mạn) được pha bằng nước sôi già, ủ trong giành tích, khi khách uống thì rót ra chén nhỏ (nên quen gọi là chè chén).

Nhiều người bảo, ở nhà, cũng chén trà ấy, lại ngồi trong phòng ấm áp, song vẫn không cảm thấy thú bằng ra ngoài ngõ kia, ngồi trên cái ghế nhựa (ngày trước thì ghế tre, bây giờ người ta dùng ghế nhựa cho tiện, dễ thu dọn vì có thể xếp chồng lên nhau), chụm đầu gối, thu hai tay lại ôm chén trà trong lòng bàn tay, ghé sát mũi mà ngửi hương thơm tinh khiết của thứ trà nước xanh trong, từ từ uống từng hớp một, rồi xuỵt một cái để nhâm nhi vị đăng đắng của trà, cái nóng bỏng của nước và một lúc sau cảm thấy ngọt ngọt nơi đầu lưỡi. Rồi cũng cứ ngồi thế, mặc cái lạnh như thấm vào người khi sương đêm buông lan, mà ngắm nhìn đường phố trong loang loáng đèn xe chiếu thành những vệt đổ nghiêng trên đường.

Khi còn là sinh viên, khoảng cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, từ tỉnh lẻ lên Hà Nội, tôi đã rất lạ lẫm với hình ảnh này. Sau dần quen, lại thấy thân thương lạ! 

Có những đêm đông Hà Nội mưa lạnh, những người bán chè chén vẫn kiên trì ngồi co ro nép dưới mái hiên của căn nhà phố cửa đã im ỉm đóng, cần mẫn đợi những người khách qua để bán một vài chén trà nóng. Chủ hàng nước thường là những người lớn tuổi, đã về hưu hoặc những người lao động nghèo bán hàng thêm đồng ra đồng vào chạy chợ. Quần áo của họ giản đơn tối màu lẫn vào trong đêm, cụ bà thì quàng khăn, cụ ông thì mũ len trùm đầu, người trẻ hơn cũng mặc sụ áo để tránh cái lạnh về đêm ngoài đường trên phố. Trên chiếc bàn nhựa, đơn giản vài phong kẹo (ngoài kẹo dồi, kẹo vừng dù không còn phổ biển như trước nữa, còn là cool air thông mũi mát họng đựng trong lọ hoặc bán thành vỉ như vỉ thuốc tây), vài lon nước ngọt có ga hoặc không ga, không đường, bao thuốc lá, vài củ đậu, thảng vẫn còn những hàng nước chiều khách, dựng thêm cái điếu cày và thuốc lào gói trong túi ni-lông xoè ra khi khách hỏi tới. 

Hà Nội giờ đây đã khác rất nhiều so với Hà Nội khi tôi còn là sinh viên. Nhà phố sang trọng hơn, đèn trong cửa hiệu cũng rực rỡ hơn, xe cộ trên đường cũng nhiều hơn lên (nhiều phố tắc đường kinh hoàng, nhất là giờ cao điểm), quán café-bar, nhà hàng ăn uống, bia hơi, lẩu, khách ngồi tràn ra cả vỉa hè. Nhưng cạnh những nơi sáng trưng tưng bừng ồn ã ấy, vẫn khiêm nhường hàng chè chén. Chỉ là, nhiều hàng chè chén không còn uống trà bằng chén mà uống bằng cốc (các loại to, nhỏ khác nhau), mỗi cốc trà giờ cũng “lên” theo giá thị trường của xăng, dầu, thực phẩm…, nơi ba nghìn, nơi năm nghìn đồng.

Trong những đợt Hà Nội giãn cách xã hội do dịch COVID-19 và khi tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các hàng quán vỉa hè không được phép hoạt động hoặc hoạt động hạn chế về giờ, trong đó có hàng quán vỉa hè, thì hàng chè chén cũng vắng bóng. Nhiều tín đồ của chè chén bỗng nhận ra sự nhớ nhung, thèm cảm giác được ngồi vỉa hè, nhâm nhi chén trà nóng, ngắm dòng người qua lại trên phố.

Nỗi nhớ nhung ấy càng dội lên khi gió lạnh mùa đông tràn về. Tự nhiên trong cái lạnh đêm đông, như thấy lạnh hơn khi thiếu hơi ấm từ chén trà với làn khói lan ủ trong lòng tay, để được xuýt xoa và tận hưởng vị ngọt sau cái đăng đắng của thứ nước trà đang lan toả. 

Hoàng Linh/Báo Tin tức
baotintuc.vn