Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên hướng đến mô hình tăng trưởng lý tưởng

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực là cụm từ thường dùng để đánh giá kết quả tăng trưởng, trong đó tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ tăng dần; lĩnh vực nông nghiệp từng bước giảm. Đối với Thái Nguyên, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ và tỉnh đang chủ trương theo đuổi mô hình tăng trưởng lý tưởng.

Trung tâm thương mại và Đại siêu thị Go! Thái Nguyên tại Khu dân cư đường Việt Bắc, phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên. (Ảnh: Thành Chung)

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch

Thương mại - dịch vụ là một trong 3 trụ cột vững chắc của nền kinh tế. Đối với Thái Nguyên, lĩnh vực này có đóng góp quan trọng, chiếm gần 32% vào năm 2023. Tỉnh Thái Nguyên ưu tiên phát triển thương - mại dịch vụ nhằm nâng tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu nền kinh tế để đạt mô hình tăng trưởng lý tưởng.

Kết thúc năm 2023, quy mô nền kinh tế của Thái Nguyên đạt khoảng 153 nghìn tỷ đồng. Nếu như năm đầu nhiệm kỳ (2020) cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng là 57,8%, dịch vụ 30,9%, nông - lâm nghiệp - thủy sản 11,3% thì đến nay tỷ trọng đóng góp khu vực công nghiệp - xây dựng tăng lên 58,3%, dịch vụ tăng lên 31,8%, nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm xuống còn 9,9%. Đây cũng là kết quả trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm đạt được mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững, đời sống Nhân dân được nâng cao; Thái Nguyên phải là điểm đến và nơi đáng sống của cộng đồng dân cư và các chuyên gia, nhà khoa học...

Mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã bày tỏ mong muốn lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiếp tục tăng lên. Đồng chí cho rằng cơ cấu kinh tế lý tưởng khi giá trị thương mại - dịch vụ đạt 35%; công nghiệp - xây dựng là 55%, còn lại là đóng góp của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Phối cảnh Sân golf Glory đang được triển khai đầu tư tại xã Thành Công, TP. Phổ Yên

Thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, 5 định hướng lớn. Trong đó, tỉnh chủ trương phát triển nhanh, bền vững các loại hình thương mại, từng bước xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm thương mại cấp vùng, trung tâm giao thương và kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội; củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại; kết hợp phát triển hài hòa các loại hình phát triển thương mại truyền thống gắn với phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, siêu thị, chợ. Về lĩnh vực du lịch, tỉnh tiếp tục thúc đẩy phát triển dựa trên nền tảng thế mạnh về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh; chuyển đổi mô hình hoạt động du lịch và các loại hình dịch vụ kinh doanh du lịch.

Về lĩnh vực dịch vụ, Thái Nguyên chủ trương phát triển hiệu quả, tiềm năng, lợi thế sẵn có. Phát triển nhanh, đa dạng, chất lượng và bền vững các loại hình dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, tương xứng với lợi thế, tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Cụ thể hóa những chủ trương này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 182/NQ-HĐND ngày 04/11/2021 về việc thông qua Chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021 - 2025 và UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021 - 2025. Các Sở, ngành, địa phương, đơn vị đã bám sát chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo của tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp vừa khuyến khích thương mại, dịch vụ phát triển, vừa tăng cường thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ tạo môi trường kinh doanh bảo đảm tính minh bạch thúc đẩy các loại hình thương mại, dịch vụ phát triển.

Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị Go! Thái Nguyên (Tập đoàn Central Retail Thái Lan tại Việt Nam) được đầu tư quy mô với hàng hóa phong phú. (Ảnh: Trần Nhung)

Kỳ vọng mô hình tăng trưởng mới

Với mong muốn sớm bổ sung năng lực tăng trưởng, tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định lĩnh vực thương mại - dịch vụ là một trong những trụ cột vững chắc của nền kinh tế, làm thay đổi mô hình tăng trưởng.

Trong số 13 sân golf được quy hoạch, Thái Nguyên đã khẩn trương hoàn tất thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư và triển khai thực hiện khởi công 2 sân golf là Tân Thái và Glory. Khu thể thao sân golf Tân Thái được đầu tư trên địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 84,2 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 586 tỷ đồng. Sân golf Glory được quy hoạch tại hồ Suối Lạnh, xã Thành Công, thành phố Phổ Yên với diện tích gần 54 ha, gồm sân golf 18 lỗ và các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng phụ trợ khác. Dự án có tổng mức đầu tư gần 388 tỷ đồng.

Thái Nguyên cũng đã khởi công xây dựng Sân vận động trên diện tích đất khoảng 15 ha, thiết kế 22.000 chỗ ngồi. Công trình đảm bảo diện tích một sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đã khởi động Dự án phố đi bộ, khu tổ hợp, phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại phường Trưng Vương và Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên). Các dự án này vừa góp phần nâng tầm đô thị, vừa trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ mua sắm vừa hút khách du lịch, vừa cung cấp dịch vụ có giá trị kích cầu thương mại, dịch vụ phát triển. Ngoài ra trong kế hoạch sử dụng đất, trên địa bàn các huyện, thành phố đã được bố trí quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước đến đầu tư. Hiện nay, nhiều công trình, dự án đang được triển khai thực hiện.

Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 67,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Cùng với các dự án lớn đang khởi động, thì đây là kết quả của một chủ trưởng đúng đắn, là những tín hiệu và sung lực mới tiếp tục đưa thương mại, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên phát triển.

Tân Xuân
thainguyen.gov.vn