Truy cập nội dung luôn

Tạo thêm sinh kế cho người dân vùng khó

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ người dân triển khai xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn. Qua đó, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân, nhất là đồng bào vùng khó khăn, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên trao gà giống cho người dân xã Bộc Nhiêu (Định Hóa).

Do có nhiều núi đá, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nhiều năm qua, xã Tân Long (Đồng Hỷ) gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Trước thực trạng trên, tháng 6-2021, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã tìm hiểu thực tế và triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn hữu cơ tại đây với quy mô hơn 7ha. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% cây na giống, được tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh theo hướng rải vụ. 

Chị Hoàng Thị Vinh, một hộ dân ở xóm Đồng Luông, xã Tân Long phấn khởi: Nhận được hơn 900 cây na giống, gia đình tôi đã tiến hành trồng trên 1ha diện tích núi đá bỏ hoang nhiều năm. Chúng tôi rất phấn khởi vì trong thời gian tới, ngoài lúa và ngô, gia đình sẽ có thêm thu nhập từ cây na.  

Ngoài xã Tân Long, hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đang triển khai mô hình chăn nuôi gà sinh sản lông mầu hướng trứng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xóm Lạc Nhiêu, xã Bộc Nhiêu (Định Hoá). Ông Phạm Minh Mộc, người dân tham gia mô hình chia sẻ: Trước đây, tôi nuôi gà với mật độ dày, chưa chú trọng công tác chống nóng, bảo vệ đàn vật nuôi nên hiệu quả kinh tế thấp. Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc gà đẻ và nhận được con giống hỗ trợ của Trung tâm, tôi đã đầu tư cải tạo chuồng, chăn nuôi theo hướng an toàn và liên kết tiêu thụ trứng gà với 1 cửa hàng tại huyện Phú Lương. Hiện nay, với quy mô nuôi 3.000 con gà đẻ, trung bình 1 tháng nhà tôi thu được 60.000 quả trứng gà, bán với giá 1.500 đồng đến 1.800 đồng/quả. 

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên kiểm tra chất lượng cây na giống trước khi cấp cho người dân xã Tân Long (Đồng Hỷ). 

Ngoài các mô hình trên, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã triển khai nhiều dự án như: Chăn nuôi gà thịt lông mầu theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Cổ Lũng (Phú Lương); chăn nuôi thỏ Newzealand tại thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ); sản xuất chè xanh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ); ứng dụng kỹ thuật trồng cây dược liệu (đinh lăng) gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Xuyên và An Khánh (Đại Từ)…

Kết quả triển khai các mô hình, sự án cho thấy, thông qua hoạt động khuyến nông đã góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho người dân. Qua đó, người nông dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo hướng nâng cao giá trị nông nghiệp và phát triển bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết: Bám sát vào mục tiêu, định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp, Trung tâm đã xây dựng các chương trình, mô hình như: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với bà con trong việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, tạo điều kiện nâng cao thu thập cho người dân và góp phần thực hiện thắng lợi Ðề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Lương Hạnh
baothainguyen.vn