Truy cập nội dung luôn

Tăng cường đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2024.

Học nghề may đang được nhiều người dân tại huyện Định Hóa lựa chọn vì dễ kiếm việc làm (Ảnh: BTN)

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm: Tăng tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm giúp người dân được học nghề có khả năng tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao năng lực, trình độ quản lý, điều hành của Giám đốc hợp tác xã, đội ngũ cán bộ tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp, cán bộ thôn/xóm.

Theo Kế hoạch, trong năm 2024 tỉnh đặt ra mục tiêu đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp cho trên 100 người; đào tạo nghề cho lao động nông thôn 4.000 người; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho trên 100 người tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền về công tác đào tạo nghề nông nghiệp, tư vấn học nghề và việc làm sau đào tạo; tổ chức đào tạo nghề linh hoạt, đa dạng, đào tạo ngay tại cơ sở, gắn với các mô hình sản xuất hiệu quả; rà soát, tổng hợp nhu cầu, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo tham gia công tác giảng dạy nghề nông nghiệp tại các địa phương; tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách, tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Bên cạnh đó, khảo sát nhu cầu và xây dựng chương trình, giáo trình học liệu và xây dựng danh mục nghề; huy động nguồn lực cho công tác đào tạo nghề nông nghiệp, trong đó làm tốt công tác xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp, gắn tư vấn hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện lao động sau khi học nghề được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất từ Quỹ hỗ trợ việc làm quốc gia, Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; xây dựng
kế hoạch kiểm tra, giám sát theo định kỳ và đột xuất các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh, tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả sau đào tạo; đề xuất giải pháp có hiệu quả để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Kim Oanh (biên tập)
thainguyen.gov.vn