Truy cập nội dung luôn

Kinh tế Thủ đô tiếp đà tăng trưởng

Nhờ sự chủ động, linh hoạt và thực hiện các giải pháp, biện pháp từ sớm nên mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Thủ đô Hà Nội quý I khởi sắc và tiếp đà tăng trưởng.

Ảnh minh họa: TTXVN

Những tháng đầu năm thành phố Hà Nội tập trung thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

UBND thành phố Hà Nội cho biết: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 tăng 5,5%, các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng ngành dịch vụ quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ. Cụ thể: dịch vụ tăng 5,84%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,77% (cùng kỳ tăng 2,39%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; thuế sản phẩm tăng 4,94%.

Một lĩnh vực khá nỗ lực và đạt được kết quả khá ấn tượng là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối chi ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 3 tháng đầu năm đạt 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ; trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.013 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán; thu từ dầu thô 1.167 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán; thu nội địa 140.698 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán.

Chi ngân sách địa phương thực hiện 3 tháng đầu năm là 31.595 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển 9.500 tỷ đồng, đạt 11,7% dự toán; chi thường xuyên là 12.069 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán.

Đặc biệt, xuất, nhập khẩu quý I phục hồi tăng trưởng. Hầu hết các nhóm hàng xuất, nhập khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,6%. Có 4/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là nông sản 49,8%; xăng dầu 18,7%; máy móc thiết bị phụ tùng 4,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng 33,2%;…

Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,4%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: hàng điện gia dụng và linh kiện 15,5%; sắt thép 27,9%; ngô 17,5%..

Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được duy trì ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 ước tăng 17,4% so với tháng 2/2024 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 2,9%). Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I/2023 tăng 0,8%). Trong số đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 14,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,6%; khai khoáng giảm 12,6%. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 3 ước đạt 65,415 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 13,6%). Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 199,651 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I/2023 tăng 12,6%)..

Khu vực quận Cầu Giấy Hà Nội là nơi có tốc độ đô thị cao với nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Để đạt được những kết quả đó, từ đầu năm đến nay UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình hành động số 04 xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2024 là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô.

Theo đó, UBND thành phố đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.

Các cấp chính quyền thực hiện nghiêm năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành thực hiện 24 chỉ tiêu; 85 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 94 nhiệm vụ cụ thể gắn với việc giao trách nhiệm và tiến độ hoàn thành cho từng sở, ban, ngành và địa phương với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024. 

Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Đồng thời, triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh.  Cùng đó, thực hiện và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. 

Thành phố thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Cùng với đó là phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số làm nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số...UBND thành phố chỉ đạo khai thác hiệu quả quỹ đất các dự án hạ tầng kỹ thuật và hai bên tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô; tiếp tục đẩy nhanh xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
baotintuc.vn