Truy cập nội dung luôn

Để tài chính tiêu dùng phát triển đúng tiềm năng

Phát triển thị trường tài chính bán lẻ thúc đẩy tiêu dùng được coi là động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, đẩy lùi “tín dụng đen”. Tuy nhiên, để thị trường này hoạt động một cách lành mạnh, hiệu quả, cần hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp lý cũng như nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng, văn hóa tiêu dùng của người dân.

Tiềm năng mở rộng thị trường

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn nhờ những điều kiện lý tưởng như: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%; nhóm lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng. Theo Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Tú Anh, cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao và đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho biết, tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646 nghìn tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Theo dự báo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc một triệu tỷ đồng vào năm 2019. Mặt khác, với mức tăng trưởng liên tục từ 20% đến 30%/năm từ năm 2010, con số một triệu tỷ đồng có thể sẽ đạt được sớm hơn so dự báo.

Tuy đạt mức tăng trưởng như vậy, nhưng theo Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit Đặng Thanh Hùng, tỷ lệ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn thấp hơn so mặt bằng chung của các nước trên thế giới. Dẫn báo cáo mới nhất vào tháng 6-2017 do Stoxplus thực hiện, ông Đặng Thanh Hùng cho biết: Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, tổng dư nợ/GDP của toàn ngành tài chính tiêu dùng vào năm 2012 đạt 7,3 tỷ USD và đã tăng chạm ngưỡng 26,55 tỷ USD vào năm 2016. Tuy vậy, tỷ lệ tổng dư nợ/GDP của Việt Nam cũng mới chỉ dừng ở dưới mức 9,8% vào cuối năm 2016, trong khi ở các nước khác như Ma-lai-xi-a, Anh, Mỹ tổng dư nợ/GDP của toàn ngành tài chính tiêu dùng chiếm lần lượt là 14%, 16% và 23%. Do đó có thể thấy, dư địa phát triển thị trường tài chính tiêu dùng ở nước ta vẫn còn rất lớn.

Cần có sự nỗ lực tổng thể

Hoạt động cho vay tiêu dùng được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường; giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, nhất là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”; giúp người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tích lũy tài sản nhờ sự linh hoạt, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân và hộ gia đình với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú. Vai trò của tài chính tiêu dùng là không thể phủ nhận, tuy nhiên, để thị trường này phát triển một cách bài bản, lành mạnh, vẫn cần có nhìn nhận đúng về vai trò của các công ty tài chính (CTTC), từ người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý.

Đơn cử như hiện nay, sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại (NHTM) với các CTTC đang khiến cho nhiều người dân băn khoăn. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Phạm Xuân Hòe cho biết: Vì đối tượng khách hàng phục vụ và phương thức hoạt động của CTTC tiêu dùng rất khác NHTM, cho nên không thể so sánh mức lãi suất của hai tổ chức tín dụng này với nhau. Các NHTM tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn về điều kiện cấp tín dụng và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm, gói vay lớn nên rủi ro thấp hơn, kéo theo mức lãi suất cũng sẽ thấp hơn. Trong khi đó, các CTTC hướng đến phân khúc khách hàng gồm nhóm đối tượng “dưới chuẩn”, không đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, mức độ rủi ro khi cho vay của các CTTC cao hơn nên phần bù rủi ro trong yếu tố cấu thành lãi suất tăng cao. Chi phí vốn đầu vào của các CTTC luôn ở mức cao nên lãi suất cho vay cũng cao tương ứng. Chi phí hoạt động trên một khoản vay cũng ở mức cao... Do đó dẫn đến việc các CTTC buộc phải áp dụng mức lãi suất cao hơn NHTM.

Tuy nhiên, mức lãi suất cao của các CTTC cũng gây nhiều lo lắng khi bài học về sự đổ vỡ của các CTTC tại nhiều nước thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 vẫn còn đó. Để phát triển thị trường, tài chính tiêu dùng, đồng chí Nguyễn Tú Anh đề xuất nhiều giải pháp; trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro vỡ nợ. “Thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam, khách hàng vay tiêu dùng sẽ ngày càng mở rộng. Số lượng khách hàng như nông dân và những người bình thường với kiến thức ít ỏi về pháp luật và tài chính sẽ rất dễ tổn thương trước các hoạt động cạnh tranh cho vay tiêu dùng. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật cần quy định chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay. Các vấn đề như hạn mức tín dụng của một khách hàng trên toàn hệ thống, hạn mức tín dụng so với thu nhập của khách hàng, số lượng thẻ tín dụng cao nhất cho một khách hàng có thể có, trần lãi suất cho vay để hạn chế mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng… cần phải đánh giá xem xét cẩn trọng để có thể đưa vào các quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ người đi vay mà cuối cùng chính là bảo vệ người cho vay và toàn bộ hệ thống” - Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Tú Anh kiến nghị.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng: Thông tư số 43/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15-3-2017 có những tác động tích cực đến hoạt động cho vay tiêu dùng, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng, đồng thời tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, các CTTC vẫn cần xác định kinh doanh phải uy tín, bài bản và luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng ở mức cao nhất. TS Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ cần hoàn thiện hành lang pháp lý mà còn cần tăng cường nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng của người dân theo xu hướng phát triển chung của thế giới.

 

Nguồn: nhandan.com.vn
Tác giả: Hồng Anh