Truy cập nội dung luôn

Xây dựng Tân Cương trù phú, giàu bản sắc

Được nhắc đến với danh xưng “đệ nhất danh trà”, Thái Nguyên có nhiều vùng trồng chè đặc sản. Trong đó, Tân Cương là vùng trồng chè nổi tiếng trong tứ đại danh trà của Thái Nguyên. Cây chè đã tạo nên bản sắc, nét văn hóa đặc trưng cũng như giúp người dân Tân Cương làm giàu. Cũng từ nền tảng cây chè, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Tân Cương đã cùng đoàn kết để xây dựng một vùng quê trù phú, đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thành viên Đoàn công tác của Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và địa phương thăm vườn chè nguyên liệu của HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. (Ảnh chụp ngày 10/1/2023)

Cây chè tạo nên bản sắc

Xã Tân Cương vừa tổ chức Kỷ niệm 70 năm ngày tái Thành lập (1953 - 2023), thế nhưng tên địa danh Tân Cương đã xuất hiện từ nhiều năm trước đó. Nghề trồng chè có ngay từ khi những cư dân miền xuôi đầu tiên lên khai phá lập làng Tân Cương và cụ Đội Năm - Vũ Văn Hiệt chính là ông tổ nghề chè nơi đây. Theo các tài liệu lịch sử, do giỏi nghề cơ khí nên thực dân Pháp đã tuyển ông Vũ Văn Hiệt làm Đội trưởng nghề đúc khuôn các chi tiết về máy bay nên mọi người quen gọi là Đội Năm. Khi lên vùng Tân Cương sinh sống, nhờ có uy tín nên ông được bầu làm Tiên chỉ của làng. Khoảng năm 1920 - 1922, ông cùng một số thanh niên khỏe mạnh ở địa phương tìm sang đất Phú Thọ để xin giống chè về trồng. Từ những cây chè đầu tiên, trải qua thời gian nhiều vườn chè đã được trồng lên ở Tân Cương. Năm 1925, ông Đội Năm mở xưởng chế biến chè, rồi vươn ra tỉnh lỵ Thái Nguyên mở hiệu bán chè, đặt địa chỉ giao dịch tại 3 kỳ trong nước. Năm 1935, ông đã mang chè đi thi tại Đấu Xảo (Hà Nội) và đoạt giải Nhất. Danh tiếng chè Tân Cường từ đó ngày càng vươn xa.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao Chứng nhận Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương, Tân Cương, xã Phúc Trìu, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên cho lãnh đạo các xã

Với điều kiện khí hậu ôn hòa, sinh khí hội tụ đã tạo nên vùng thổ nhưỡng thuận lợi, cùng với nguồn nước trong mát của dòng sông Công rất thuận lợi cho cây chè ở Tân Cương phát triển. Qua bàn tay chăm sóc, thu hái và chế biến của những người nông dân giàu kinh nghiệm, vùng đất Tân Cương đã cho ra đời những sản phẩm trà chất lượng ít nơi nào sánh bằng. Búp chè khô Tân Cương có cánh đen hơi ánh xanh, xoăn dạng móc câu. Khi pha nước trà có màu vàng xanh, trong đẹp mắt; mùi cốm non thơm nức, mộc mạc, giản dị nhưng khó phai. Nhấp từng ngụm nhỏ trà sẽ cảm nhận vị chát đượm nhẹ len lỏi qua vị giác, rồi sau đó vị hậu ngọt còn lưu lại.

Những giống chè trung du cổ được gia đình ông Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2 trồng từ năm 1928

Với chất lượng đặc biệt của sản phẩm và bề dày truyền thống trồng và canh tác chè, năm 2007, vùng chè Tân Cương được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Thành phố Thái Nguyên cũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ và phát triển diện tích chè trung du truyền thống đã làm nên thương hiệu của vùng đất này. Đặc biệt là Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương ở các xã Tân Cương, Phúc Trìu và Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Hằng năm, địa phương đều tổ chức Lễ hội “Hương sắc trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” để tôn vinh cây chè, nghề làm chè và quảng bá, giới thiệu về thế mạnh, giá trị sản phẩm trà đặc sản Tân Cương với du khách trong và ngoài nước.

Năm 2022, xã Tân Cương được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận Điểm du lịch cộng đồng. (Trong ảnh: Du khách trải nghiệm hái chè tại xã Tân Cương)

Nông thôn mới tiêu biểu mang tính đặc trưng

Là cây trồng chủ lực, nguồn lợi từ chè mang lại đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của Tân Cương. Nhiều nông hộ đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ sản xuất, bao tiêu sản phẩm chè, hoặc kinh doanh các dịch vụ cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị máy móc phục vụ cho nông dân trong vùng. Kết hợp cả chế biến thủ công truyền thống và máy móc hiện đại, nông dân vùng chè Tân Cương đã tạo được các sản phẩm chính là chè xanh và chè xanh cao cấp, với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Trên cơ sở thế mạnh, bản sắc cây chè và tiêu chí quy định xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, xã Tân Cương đã lựa chọn, xây dựng và thực hiện “Tiêu chí xã NTM kiểu mẫu trong lĩnh vực nổi trội về sản xuất mang giá trị đặc trưng của địa phương”. Trong đó, xã xác định tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn toàn xã gắn với du lịch cộng đồng; tăng hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX); phối hợp tổ chức nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Cương có 12 HTX và 31 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè hoạt động có hiệu quả. (Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm trà tại HTX chè Thắng Hường)

Theo thống kê, Tân Cương hiện có gần 400 ha chè kinh doanh; sản lượng bình quân 1.000 tấn chè búp khô mỗi năm. Để nâng cao giá trị cây chè, chính quyền địa phương đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nhất là chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến theo hướng an toàn và liên kết, quảng bá sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn xã có 12 HTX và 31 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè hoạt động có hiệu quả; trong đó 4 HTX có 11 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 4 đến 5 sao. Giá trị sản phẩm trên 1 ha chè đạt gần 600 triệu đồng/năm. Các HTX liên kết với các cơ sở sản xuất, hộ gia đình theo chuỗi liên kết để thiết lập vùng nguyên liệu và được cấp mã vùng trồng; việc phát triển kinh tế tập thể giúp giải quyết việc làm tại chỗ và giúp người dân có nguồn thu chủ yếu, ổn định từ làm nghề chè để phát triển kinh tế.

Đường giao thông được đầu tư xây dựng đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của Tân Cương

Cùng với đẩy mạnh cây chè, địa phương cũng huy động được trên 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi; cải tạo, sửa chữa nhà lớp học, chợ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân… Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,5%; 100% người dân được tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã, được sử dụng nguồn điện lưới an toàn.

Ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương nhấn mạnh: Xứng danh mảnh đất “đệ nhất danh trà”, cây chè đã giúp người dân Tân Cương làm giàu và xây dựng thành công NTM kiểu mẫu mang bản sắc đặc trưng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế cùng các nguồn lực để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM mới kiểu mẫu. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm trà, sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương gắn với phát triển du lịch cộng đồng vùng chè. Gắn phát triển kinh tế với công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn