Từ búp chè xanh đến ước mơ xanh
2025-03-31 12:57:00.0
Hoàng Văn Tuấn giới thiệu với du khách vùng nguyên liệu tạo ra sản phẩm chè hữu cơ
Kiên trì với chè hữu cơ
Xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, nơi Tuấn sinh ra và lớn lên có 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, có nghề làm chè từ lâu. Gắn bó với cây chè từ nhỏ, nên Tuấn đã thấm thía nỗi vất vả của người làm chè. Tuấn nói với tôi, hình ảnh sâu đậm nhất, ám ảnh trong tâm trí em là đeo trên vai những bình thuốc trừ sâu nặng nề, độc hại, leo đồi phụ giúp bố mẹ phun thuốc cho chè.
Tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Tuấn quyết định quay về quê khởi nghiệp từ nghề làm chè của cha ông, nhưng không đi theo lối mòn mà chọn con đường đầy thử thách: làm chè hữu cơ. Đầu năm 2022, Tuấn thành lập Hợp tác xã (HTX) trà an toàn Phú Đô, với vùng nguyên liệu rộng 3ha và 5 hộ liên kết.
Theo Tuấn, muốn phát triển bền vững, thì trước hết phải tạo ra vùng chè an toàn. Vậy là cậu kiên trì thử nghiệm các phương pháp cải tạo đất bằng phân vi sinh, than sinh học, tự sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp. Thay vì dùng thuốc trừ sâu hóa học, Tuấn sử dụng các chế phẩm tự nhiên từ ớt, tỏi, gừng, lá cây rừng. Những luống chè đầu tiên giảm năng suất, sâu bệnh tấn công, nhưng Tuấn không bỏ cuộc. Cậu tìm đến chuyên gia, mô hình thành công khác để học hỏi và điều chỉnh phương pháp. Sau hơn hai năm kiên trì, những luống chè hữu cơ đầu tiên cho búp xanh mướt, dày và đậm vị hơn hẳn chè trồng theo phương pháp cũ.
Nói là kiên trì, bởi việc làm chè hữu cơ đã khó, việc bán lại khó hơn vì phân khúc giá cao, đối tượng khách hàng thu hẹp, cộng với việc cạnh tranh trong thị trường hỗn tạp, thật giả lẫn lộn như hiện nay. Nhiều lúc Tuấn cũng muốn bỏ cuộc vì chi phí đầu tư cao, quy trình vất vả, khó thuê lao động... Song nghĩ về quê hương, về tiềm năng, giá trị của việc sản xuất hữu cơ trong tương lai, Tuấn lại tiếp tục hành trình.
Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô được vinh danh tại TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - Industrie 4.0 Awards lần thứ Ba năm 2024
Đến nay, HTX liên kết với 36 hộ dân với vùng nguyên liệu chè rộng 27,2ha, trong đó 5ha chè hữu cơ, 5ha chè sinh thái (chè trung du cổ). HTX đã tự sản xuất, cung cấp 90% phân hữu cơ bón cho chè. Ngoài ra, Tuấn sử dụng bếp khí hóa sinh khối để chế biến chè, tạo không khí trong lành, bảo vệ môi trường.
Thật đáng mừng, tháng 6-2024, nhãn hiệu Trà Phú Đô của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức bảo hộ tại Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho HTX phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Thành tựu mới nhất của Tuấn là sản phẩm "Hoang Gia Shrimp Tea" (Trà Tôm Hoàng Gia) đã vượt qua hàng trăm đối thủ để đạt giải Đồng tại cuộc thi Golden Leaf Awards 2024 - một trong những giải thưởng trà uy tín nhất thế giới, tổ chức tại Úc. Đây là lần đầu tiên HTX gửi sản phẩm đi dự thi và ngay lập tức được ghi nhận. Thành công này là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc, từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến chế biến, đóng gói, tất cả đều tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe.
Tiên phong trong ứng dụng công nghệ số
Không dừng lại ở việc thay đổi cách trồng, cải tạo hệ sinh thái đất vườn đồi, Tuấn nhận ra thách thức lớn: chè Phú Đô chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Làm sao để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình? Tuấn tìm hiểu và quyết định ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và quảng bá chè.
HTX Trà an toàn Phú Đô sử dụng phần mềm Facefarm để số hóa quy trình sản xuất chè. Với Facefarm, các thửa đất trồng chè của HTX và nhật ký sản xuất của nông trại đều được hiển thị trên Google Map, giúp thuận lợi trong khâu quản lý sản xuất. Khi khách hàng quét mã QR trên bao bì sản phẩm, họ có thể xem toàn bộ nhật ký chăm sóc, từ loại phân bón sử dụng, quy trình thu hái đến công đoạn chế biến. Tuấn chia sẻ: “Trước đây, người tiêu dùng chỉ biết chè qua lời quảng cáo, giờ họ có thể tận mắt thấy từng bước làm ra sản phẩm, điều đó giúp họ an tâm hơn rất nhiều”.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất giúp HTX theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chè, từ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đến dinh dưỡng của đất. Các dữ liệu này được thu thập và phân tích liên tục, giúp HTX đưa ra những quyết định kịp thời và chính xác, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ công nghệ, giá trị chè Phú Đô tăng đáng kể: từ 200 nghìn đồng/kg lên 300.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn với những dòng cao cấp.
Khác với nhiều đơn vị sản xuất trà hiện nay, anh lựa chọn hình thức bán lẻ là chính, không đầu tư dàn trải, tập trung vào chất lượng sản phẩm, chế biến chuyên sâu. Năm 2024, sản lượng chè búp khô xuất bán ra thị trường đạt 32 tấn. Đặc biệt, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, truyền thông và qua người Việt yêu trà Phú Đô, HTX đã có những đơn hàng được quảng bá, bán lẻ tại Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Nỗ lực, tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, HTX được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và Công ty Sorimachi Việt Nam đánh giá cao về kết quả chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. HTX trà an toàn Phú Đô đơn vị duy nhất của ngành chè Việt Nam đã được vinh danh tại TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - Industrie 4.0 Awards lần thứ Ba năm 2024. Đây là giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh những doanh nghiệp xuất sắc trong ứng dụng công nghệ 4.0.
Lan tỏa giá trị cộng đồng
Trong vai trò là Phó Bí thư Chi bộ và Bí thư Chi đoàn xóm Phú Thọ, Tuấn cùng HTX trà an toàn Phú Đô đã lan tỏa trực tiếp đến người dân trong xóm, xã để từng bước chuyển dịch phương pháp canh tác, chế biến chè.
Tuấn khẳng định: “Kim chỉ nam” của HTX là sản xuất phải gắn với bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường tự nhiên. Đó cũng là giá trị cốt lõi để mang lại sự phát triển bền vững, khẳng định được thương hiệu riêng. Do đó, Tuấn thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm với bà con, đồng thời kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm "Hoang Gia Shrimp Tea" (Trà Tôm nõn Hoàng Gia), sản phẩm làm nên thương hiệu của Hợp tác xã
Cùng với việc sản xuất chế biến chè, Tuấn đang liên kết với các hợp tác xã trong khu vực xây dựng mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, thương mại dịch vụ để khu khách đến trải nghiệm văn hoá, vẻ đẹp cảnh quan vùng đất, tạo việc làm tại chỗ cho người dân.
Nhìn lại hành trình đã qua, Tuấn chia sẻ: “Em may mắn hơn thế hệ trước vì được tiếp cận với khoa học và công nghệ. Nhưng để chè Phú Đô thực sự vươn xa, một mình em không làm được cần sự chung tay của cả cộng đồng. Sự đi đầu trong sản xuất nông nghiệp xanh của Tuấn đã đưa phong trào sản xuất và kinh doanh chè an toàn, hữu cơ ở Phú Đô ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Toàn xã có 268ha chè đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo quy trình hữu cơ (chiếm trên 45% tổng diện tích chè), có 3 HTX chè, 3 tổ hợp tác, dự án tập trung sản xuất chè an toàn, hữu cơ với hàng trăm hộ dân tham gia.
baothainguyen.vn