Truy cập nội dung luôn

Thêm niềm vui cho người dân vùng chè Tân Cương

Tháng 2 năm 2023, người dân vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đón nhận thêm một niềm vui khi Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương, xã Tân Cương, xã Phúc Trìu, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho lãnh đạo 03 xã trong vùng chè Tân Cương

Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân 3 xã Tân Cương, Phúc Trìu và Phúc Xuân khi mà những nỗ lực bấy lâu của họ đã được ghi nhận. Giá trị của tri thức trồng và chế biến chè là kết quả quá trình lao động của người dân vùng chè Tân Cương, bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ trước. Đây là khu vực có điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu, phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây chè. Người dân Tân Cương từ lâu chú trọng quy trình trồng, chăm sóc, chế biến chè theo kinh nghiệm truyền thống và truyền lại cho các thế hệ tiếp nối nhau. Chính điều này đã làm nên nét đặc trưng của vùng chè Tân Cương so với các vùng chè khác của tỉnh Thái Nguyên.

Hiện nay, vùng chè Tân Cương có tổng diện tích 1.400ha, sản lượng trên 22.000 tấn/năm. Bên cạnh yếu tố tự nhiên, kinh nghiệm trồng và chế biến chè lâu năm của người dân đã tạo nên chất lượng đặc biệt cho sản phẩm chè. Ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Việc được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là động lực to lớn để chính cộng đồng dân cư nơi đây tiếp tục phát huy giá trị di sản. Cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân quan tâm, đầu tư trọng điểm vào việc bảo tồn, mở rộng diện tích chè; giữ gìn và phát huy kỹ thuật truyền thống kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, chế biến, bảo quản chè. Còn bà Trịnh Thị Huệ, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Phúc Trìu cho biết: Xã có hơn 80% dân số làm nông nghiệp, trong đó cây chè là cây mũi nhọn nên địa phương xác định đầu tư trọng điểm cho cây trồng mũi nhọn này. Hy vọng trong thời gian tới, Phúc Trìu sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các sở, ngành để thương hiệu vùng chè Tân Cương được bay xa hơn.

Chè - cây trồng mũi nhọn của người dân xã Phúc Trìu

Nói về niềm vui khi vùng chè Tân Cương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Nguyễn Văn Minh, ở xóm Đồng Lạnh, xã Phúc Xuân phấn khởi: Gia đình tôi có truyền thống làm chè được hơn 30 năm. Từ sự kiện rất ý nghĩa này, hy vọng sản phẩm trà của vùng chè Tân Cương sẽ được vươn xa đến thế giới. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn đến nghề làm chè và các giải pháp nâng cao chất lượng, thương hiệu cho vùng chè Tân Cương.

Theo ông Nguyễn Linh, Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, trong thời gian tới thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển cây chè, đáng chú ý là tăng diện tích cây chè bằng việc chuyển mục đích một số diện tích xen kẹp, diện tích cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng chè; sản xuất chè theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sâu để đa dạng sản phẩm; hướng dẫn người dân canh tác hiệu quả, gắn phát triển cây chè với du lịch, lấy sản phẩm chè là sản phẩm du lịch cộng đồng. Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm phát huy giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đáp ứng yêu cầu di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu, góp phần cho sự phát triển bền vững nghề trồng và chế biến vùng chè Tân Cương, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn để vùng chè Tân Cương trở thành điểm đến đến hấp dẫn của du khách.

Chế biến, đóng gói chè tại Hợp tác xã chè Thắng Hường, xã Tân Cương

Lãnh đạo TP. Thái Nguyên cũng như các xã trong vùng chè Tân Cương đều khẳng định sẽ có hướng khơi dậy niềm tự hào trong người dân, những người chủ thể của di sản, để họ có ý thức vươn lên, tranh thủ sự tạo điều kiện, giúp đỡ của các cấp, ngành để nâng cao giá trị của sản phẩm cũng như thu hút đông đảo du khách đến với vùng “Đệ nhất danh Trà”.

Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương là di sản có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân, khẳng định sản phẩm vùng chè Tân Cương không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị về văn hóa. Đây cũng sẽ là khởi đầu mới giúp ngành chè tiếp tục phát triển, tạo động lực để người dân tiếp tục phát huy sản phẩm truyền thống, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, góp phần quảng bá, thu hút du khách đến với địa phương.

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn