Truy cập nội dung luôn

Phát huy giá trị Tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương

Nghề trồng và chế biến chè ở Tân Cương bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX. Và cho đến nay, những tri thức, bí kíp của nghề trồng và chế biến chè do cha ông truyền lại vẫn được người dân Tân Cương phát huy hiệu quả. Để tôn vinh, lưu giữ những giá trị đó, tháng 2 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương, Thái Nguyên.

Nghề trồng và chế biến chè ở Tân Cương bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX

Câu chuyện về trồng, chế biến trà Tân Cương là câu chuyện nhiều thế hệ; tình yêu và sự nâng niu của người trồng chè đối với cây trồng đặc sản đã tồn tại lâu năm trên đất trung du Thái Nguyên. Năm 1922, khởi nguồn từ việc ông Đội Năm giúp người dân khai hoang, mở đất rồi lấy giống chè từ trại chè Phú Hộ thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ về trồng. Nhờ điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp, sinh khí hội tụ và kỹ thuật trồng, chăm sóc của người dân nên chè Tân Cương có chất lượng thơm ngon nổi tiếng.

Với nghệ nhân trà Đào Thanh Hảo, người nhiều năm gắn bó với nghề làm chè truyền thống trên mảnh đất Tân Cương, tri thức dân gian trồng và chế biến chè của địa phương được tôn vinh Di sản quốc gia là sự ghi nhận xứng đáng cho những tâm huyết của bà con nơi đây trong việc lưu giữ và truyền lại bí quyết làm chè riêng có từ bao đời nay.

Nghệ nhân Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên cho hay: "Bản thân tôi có gần 40 năm gắn bó, nối tiếp truyền thống bao đời. Từ nghề làm chè truyền thống, kỹ thuật hái chè 1 tôm, 2 lá, sao bằng tay hiệu quả không cao nhưng mang nét văn hóa truyền thống địa phương cũng như của dòng họ. Với bà con Tân Cương cần phải cố gắng để những sản phẩm xứng danh với vùng di sản của mình".

Sau thu hoạch, lá chè được đem đi sơ chế và chế biến, sao cho lá xoăn, khô đều và không bị vỡ

Những lá chè được người dân hái từ sáng sớm, khi sương còn đọng trên lá. Sau thu hoạch, lá chè được đem đi sơ chế và chế biến, sao cho lá xoăn, khô đều và không bị vỡ. Trà Tân Cương thơm ngon nhất khi được pha với nước sôi cùng một chiếc ấm đất nung. Trà khi uống có mùi thơm mạnh, vị chát đậm dịu, hậu ngọt, không xít hoặc đắng. Những câu chuyện từ lá chè đến chén trà, nghề làm chè và văn hóa trà đã thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Tân Cương.

Ông Nguyễn Đình Đài, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên cho biết: "Văn hóa ẩm trà ngày một phát triển. Người dân Tân Cương sẽ tiếp tục học hỏi về du lịch cộng đồng, ẩm thực về trà, cùng với những bàn tay của các nghệ nhân làm trà thì cây chè Tân Cương và sản phẩm trà Tân Cương sẽ ngày càng phát triển và được bổ sung thêm những yếu tố cần thiết".

Vùng chè đặc sản Tân Cương với hồn cốt là giống chè trung du lá nhỏ truyền thống sẽ tiếp tục ghi dấu ấn, góp phần quan trọng đưa thương hiệu chè của Thái Nguyên vươn xa, tiếp tục khẳng định và phát huy giá trị của di sản văn hóa vừa được tôn vinh./.


thainguyentv.vn