Truy cập nội dung luôn

OCOP - nâng tầm giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên

Những năm qua, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Cây chè và các sản phẩm trà làm một trong những nội dung được chú trọng nhất.

Với nhiều nỗ lực, HTX chè Kim Thoa đã có sản phẩm trà nõn hảo hạng đạt chứng nhận OCOP 4 sao

Hợp tác xã (HTX) chè Kim Thoa ở xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) hiện có 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Để có kết quả cao như vậy, đơn vị luôn xác định yếu tố chát lượng phải được ưu tiên hàng đầu, đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Việc được chứng nhận OCOP đã mở ra cơ hội tiêu thụ tốt hơn, là động lực để HTX tiếp tục nâng cao chất lượng để đưa ra thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Bà Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chia sẻ: “Được chứng nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi được rất nhiều lợi ích. Sản phẩm được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử, được nhiều người quan tâm và biết đến. Bên cạnh đó khi thấy HTX có chứng nhận OCOP thì người tiêu dùng cũng rất yên tâm sử dụng sản phẩm, nhờ đó lượng khách hàng của đơn vị tăng từ 15-20%”.

Cùng chung quan điểm, sau gần 6 năm liên kết với các hộ dân, HTX chè Thịnh An (Đồng Hỷ) luôn nỗ lực hướng các thành viên đến sản xuất an toàn, chất lượng; vấn đề quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, sàn thương mại điện tử cũng được chú trọng. Nhờ đó, đơn vị đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và mục tiêu hướng đến là phát triển sản phẩm tiềm năng lên hạng 5 sao. Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thịnh An cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Đơn vị đang dự tính đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc để sản xuất chè, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.

Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên lần thứ XI, năm 2021-2022, bà Tống Thị Kim Thoa đạt giải Nhì với quy trình chế biến sản phẩm Hồng trà Kim Thoa

Để có được chứng nhận OCOP, nhiều HTX chè đã nỗ lực nâng cao chất lượng, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất. Đồng thời chú trọng đến thiết kế, mẫu mã, bao bì bắt mắt, độc đáo để thu hút khách hàng. Điển hình như HTX chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ) là 1 đơn vị có nhiều mẫu mã, bao bì sản phẩm độc đáo như mẫu hộp bằng mây tre đan thân thiện môi trường, hay thơ in trên bao bì hộp đựng chè để giới thiệu về HTX. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương cho biết: “Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi cũng chú ý đến việc sáng tạo những mẫu bao bì thân thiện với môi trường có tính tái sử dụng cao. Đây không chỉ là một trong những tiêu chí xếp hạng OCOP mà cũng là xu hướng nhiều người tiêu dùng quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường”.

Tính đến nay, Thái Nguyên đã có 173 sản phẩm được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên (gồm 91 sản phẩm 3 sao; 80 sản phẩm 4 sao; 02 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia (trong tổng số 20 sản phẩm 5 sao của cả nước), trong đó chủ yếu là sản phẩm chè với 121 sản phẩm, chiếm 70% (01 sản phẩm đạt 5 sao và 120 sản phẩm đạt từ 3-4 sao); Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP, nhất là các sản phẩm chè. Qua thực hiện Chương trình, giá trị của sản phẩm tăng từ 20% trở lên, có sản phẩn tăng lên đến trên 100%; doanh số bán hàng của các chủ thể có sản phẩm OCOP đều tăng nhanh qua các năm qua... Xác định các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, ngay từ khi tham gia Chương trình OCOP, tỉnh đã tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng; hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu.

Một trong những mẫu mã sản phẩm trà của HTX chè Tuyết Hương

 Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Để khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP hữu cơ, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ sản xuất; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; nâng hạng sao đối với những sản phẩm chủ lực, mang tính vùng miền. Yếu tố xây dựng vùng nguyên liệu tập trung được quan tâm hàng đầu…

Chương trình OCOP được triển khai thực hiện có hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn thì cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, phù hợp để hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế giúp thay đổi tập quán sản xuất, hướng người dân vào kinh tế thị trường. Từ đó xây dựng nông thôn thực sự trở thành miền quê giàu mạnh, ấm no; đời sống của người nông dân từng bước được cải thiện, phát triển.

Trần Huyền
thainguyen.gov.vn