Truy cập nội dung luôn

Ngành chè xoay xở vượt khó

Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng trên, mỗi đơn vị lại có giải pháp riêng để nỗ lực tìm kiếm thị trường, hạn chế tối đa chi phí phát sinh, bảo đảm sản xuất, kinh doanh ổn định.

Người dân xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) khẩn trương thu hái chè chính vụ được sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thời gian qua, Công ty CP Nông sản Thái Nguyên, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đã đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm từ cây chè. Cụ thể, từ chè búp khô, Công ty kết hợp với các loại thực phẩm quý, tốt cho sức khỏe để làm sâm trà, mộc trà, hòe trà, bạch trà, sen trà… Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Cương, Giám đốc Công ty cho hay: Hiện nay, các dòng sản phẩm mới của Công ty như trà cốc túi lọc, bột ngâm chân trà xanh quế, túi lọc trà xanh tắm gội cho trẻ em, hộp kẹo trà xanh… đang được thị trường ưa chuộng. Trên mỗi dòng sản phẩm, chúng tôi đều niêm yết giá bán công khai và có mã vạch đầy đủ để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.  

Cũng ở xã Tân Cương, hợp tác xã (HTX) chè Phúc Linh lại có cách làm riêng. Trước đây, trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 7 tấn chè búp khô thì nay chỉ còn một nửa. Chị Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc HTX chia sẻ: Thời gian qua, giá phân bón tăng cao, trong khi giá chè lại giảm nên HTX đã phải tính toán để vừa hạ chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, chúng tôi đã đầu tư nuôi 6 con bò để cung cấp 1 tấn phân chuồng/tháng; đồng thời, mua thêm phân gà và chế phẩm sinh học để ủ thành phân hữu cơ bón chè. Qua hạch toán cho thấy, với 3ha chè, trung bình mỗi tháng, HTX giảm được 10 triệu đồng tiền phân bón. Ngoài ra, cây chè cũng xanh tốt, búp mập, ít sâu bệnh hơn và cũng an toàn cho người sản xuất vì không sử dụng phân hóa học. Cùng với đó, chúng tôi đầu tư máy sao chè bằng gas, máy vò chè bằng điện để chè không bị ám khói. Đặc biệt, HTX đầu tư máy đóng gói tự động cân định lượng, góp phần giảm chi phí về công lao động. 

Đối với sản phẩm chè chưa tiêu thụ được ngay, HTX chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) tiến hành sao khô kiệt và cho vào túi nilon để bảo quản trong kho lạnh.

Đối với HTX chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) hiện cũng bị giảm 40% sản lượng tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX cho biết: Đối với những mẻ chè chưa xuất bán ngay được, HTX phải tiến hành sao khô kiệt, bọc trong 2 lớp nilon và bảo quản trong kho lạnh. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ bị “đội” lên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tập trung làm tốt khâu bảo quản để đợi đến cuối năm, cung cấp cho các đơn hàng lớn vào dịp tết Nguyên đán.

Còn ông Chu Minh Tuyển, Giám đốc HTX chè Tân Tiến, xã Minh Tiến (Đại Từ) thông tin: Nếu như tầm này năm ngoái, chè có giá 200 nghìn đồng/kg thì nay chỉ còn 100 nghìn đồng/kg nhưng chúng tôi vẫn phải bán để có vốn đầu tư tái sản xuất. Giải pháp trước mắt của chúng tôi là vận động bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng thương hiệu chè an toàn, tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến.

Hiện nay, toàn tỉnh có 22,6 nghìn ha chè, trong đó khoảng 18 nghìn ha chè kinh doanh. Thời gian qua, cây chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu chè đang tạm thời đóng băng. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng giảm mạnh do một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, không giống như các mặt hàng nông sản khác cần tiêu thụ trong thời gian ngắn thì sản phẩm chè có thể bảo quản vài tháng trong kho lạnh mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy, hiện bà con nông dân vẫn duy trì các biện pháp bảo đảm cho cây chè phát triển ổn định, đạt năng suất, chất lượng cao.

Đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, bà con chấp nhận bán với giá thấp nhằm có vốn tái sản xuất và trang trải cuộc sống. Còn với các doanh nghiệp, HTX đang đẩy mạnh khâu bảo quản, tích trữ để tập trung xuất hàng vào dịp cuối năm - thời điểm nhu cầu sử dụng chè và giá bán đều tăng cao. Ngoài ra, bà con cũng tiến hành đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ chế biến chè hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, trên các trang web uy tín...  

Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT): Nhằm ổn định hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp xác định tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả kinh tế cũng như lợi ích lâu dài của cây chè. Từ đó, giúp bà con tập trung chăm sóc tốt diện tích chè hiện có nhằm duy trì vùng nguyên liệu bền vững. Chúng tôi cũng cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi, cảnh báo sớm các loại sâu bệnh gây hại trên cây chè và khuyến cáo bà con cách phòng, trừ kịp thời. 

Còn bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên nói: Thời gian qua, Hội đã luôn đồng hành, tạo điều kiện và là cầu nối để các đơn vị tiếp cận với những chính sách, cơ hội đầu tư, giới thiệu sản phẩm chè ra thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên.

 

 

 
Lương Hạnh
baothainguyen.vn