Truy cập nội dung luôn

Nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên

Tận dụng những lợi thế của mô hình kinh tế tập thể, nhất là mô hình hợp tác xã (HTX) trong phát triển ngành chè của Thái Nguyên, những năm qua Liên minh HTX tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều chính sách, chương trình để hỗ trợ, tạo động lực làm đòn bẩy cho các HTX chè nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên.

 

Phóng viên tìm hiểu thông tin về trà Thái Nguyên tại khu trưng bày giới thiệu sản phẩm trà của Triển lãm trà quốc tế An Huy lần thứ 16, năm 2023 tại Trung Quốc

P.V: Thưa bà, hiện nay quy mô và thực tế sản xuất của các HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như thế nào?

Bà Vũ Thị Thu Hương: Xác định mô hình các HTX chè là lĩnh vực hoạt động hiệu quả, vì chè được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, có chất lượng, thương hiệu và đặc trưng riêng có của Thái Nguyên - Việt Nam, đang từng bước trở thành thương hiệu quốc gia. Hiện trên địa bàn tỉnh có 106 HTX chuyên sản xuất kinh doanh chè, với tổng diện tích quy mô khoảng hơn 2000 ha chè, sản lượng bình quân gần 113 tạ/1 ha; thu nhập bình quân ước khoảng 150 triệu đồng/1ha/năm, có những HTX hoạt động hiệu quả thu nhập lên đến 300 triệu đồng/1ha... Về công nghệ, hiện nay có khoảng 70% HTX sử dụng máy móc thiết bị trong khâu sản xuất chế biến, 50% trong khâu chăm sóc, 60% khâu đóng gói và 25% trong tiêu thụ và quản lý; 100% công đoạn thu hái được làm thủ công (hái bằng tay); 100% HTX đều sản xuất sản phẩm từ đầu cho đến công đoạn cung cấp ra thị trường, với đa dạng các sản phẩm như đinh, nõn, móc câu, hồng trà, trà xanh truyền thống…

P.V: Trong thời gian vừa qua, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã đồng hành cùng các HTX sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn như thế nào thưa bà?

Bà Vũ Thị Thu Hương: Chúng tôi tập trung tuyên truyền vận động thành lập các mô hình HTX trà, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng quản trị, dạy nghề kỹ thuật trà cho cán bộ chủ chốt và thành viên; xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng; triển khai có hiệu quả các giải pháp và chính sách được phê duyệt tại Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên các giai đoạn từ năm 2010 đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2025 về hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ tiền lương cán bộ trẻ về làm việc tại HTX, hỗ trợ vốn vay ưu đãi... Chủ trì và tăng cường phối hợp với các cơ quan để hỗ trợ các HTX được tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; dân tộc miền núi; chương trình OCOP; khuyến nông, khuyến công; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hỗ trợ các HTX tham gia xây dựng nông thôn mới; trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tham gia các hội chợ, phiên chợ, chương trình kết nối tiêu thụ...

P.V: Được biết, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức Đoàn công tác tham gia Triển lãm trà quốc tế An Huy lần thứ 16, năm 2023 tại Trung Quốc. Đoàn Thái Nguyên đã có những hoạt động gì tại Triển lãm? Và những ấn tượng, học hỏi kinh nghiệm gì từ chuyến công tác của Đoàn, thưa bà?  

Bà Vũ Thị Thu Hương: Đoàn Thái Nguyên rất vinh dự được lựa chọn đại điện của Việt Nam tham gia Triển lãm trà quốc tế An Huy lần thứ 16, năm 2023 tại Trung Quốc. Triển lãm có quy mô rộng 40.000 m2, với 702 công ty, HTX từ toàn bộ chuỗi ngành chè, đồ dùng trà tinh tế, gốm sứ, đồ nội thất trà và hơn 10.000 mặt hàng khác từ 10 quốc gia (Việt Nam, Đài Loan, SriLanka, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Pakistan...) và 15 tỉnh/thành của Trung Quốc cùng trên 2.300 lượt khách người mua và nhà phân phối trong và ngoài tỉnh An Huy (Trung Quốc). Mọi hoạt động của Triển lãm được tổ chức rất chuyên nghiệp, từ quy mô đến các sự kiện bên lề của Triển lãm.

Tham dự Triển lãm lần này, chúng tôi đã mang đến một số sản phẩm trà đinh, trà tôm nõn, sản phẩm ướp hương hoa tự nhiên làm bằng phương pháp thủ công truyền thống để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Với tinh thần là đại diện Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cho các HTX được tham gia nhiều hoạt động, sự kiện, không chỉ trưng bày, giới thiệu, quảng bá, đưa đến khách hàng Trung Quốc và quốc tế đến trải nghiệm, thưởng thức các dòng sản phẩm trà của Thái Nguyên. Cùng với đó, giới thiệu về văn hóa, du lịch và tiềm năng thế mạnh của Thái Nguyên; tham gia Hội nghị giới thiệu văn hóa trà của Trung Quốc, các hội nghị kết nối, giao lưu; tìm hiểu cách thức xây dựng thương hiệu Trà của Trung Quốc… Ngoài ra, chúng tôi cũng được đến tham quan thực tế tại 1 HTX sản xuất trà hữu cơ tiêu biểu tại tỉnh An Huy.  

Triển lãm lần này đã mang lại cho các HTX rất nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng tiềm năng, học hỏi kinh nghiệm từ xây dựng thương hiệu và cách thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với văn hóa trà; đặc biệt là đã kết nối với một số khách hàng quan tâm đến dòng sản phẩm trà ướp các loại hương hoa tự nhiên và dòng trà xanh của các HTX.

Thành viên Đoàn tỉnh Thái Nguyên tham dự Triển lãm tham quan mô hình sản xuất chè hữu cơ của HTX Thành viên China COOP tại tỉnh An Huy (Trung Quốc)

P.V: Mô hình HTX là một mô hình ưu việt trong phát triển ngành chè, theo quan điểm cá nhân của bà, các HTX chè của tỉnh Thái Nguyên cần trang bị cho mình những hành trang như thế nào để hội nhập với thị trường quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm trà, thưa bà?

Bà Vũ Thị Thu Hương: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định mô hình HTX lấy con người làm trung tâm, là công cụ mạnh mẽ để phục hồi xã hội một cách toàn diện và bền vững sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Từ chính kinh nghiệm thu nhận được từ những triển lãm trà quốc tế, như sự kiện Triển lãm trà quốc tế An Huy lần thứ 16, năm 2023 tại Trung Quốc mà cá nhân tôi và thành viên các HTX vừa tham gia trở về cho thấy: Các HTX ngành chè của Thái Nguyên cần sáng tạo, đổi mới trong hoạt động một cách có hiệu quả để gắn với liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ cao, đi đôi với phát triển du lịch cộng đồng và chuyển đổi số. Chúng ta cũng cần tăng quy mô sản xuất hữu cơ an toàn để phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, tạo ra sản phẩm trà đảm bảo các điều kiện tham gia vào thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy hiện nay, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và sản xuất hữu cơ là tiêu chuẩn bắt buộc với hầu hết các thị trường quốc tế, thị trường khó tính. Do đó, nếu không đạt được những tiêu chuẩn khắt khe về sản xuất hữu cơ, sản phẩm của chúng ta sẽ khó có thể được chấp nhận.

Và một việc rất quan trọng đó là không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng về sản xuất, về quản lý và thị trường, nhất là tiếng Anh. Đây là yếu tố “ đủ” để các HTX có thể chủ động tham gia kết nối các thị trường quốc tế đạt hiệu quả hơn. Và một điều không thể thiếu, đó chính là các HTX cần chủ động tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại. Thực tế cho thấy, dù thời đại 4.0, song nếu chúng ta không chủ động trực tiếp tìm hiểu thị trường, đi sâu vào thị trường trà quốc tế để hiểu thêm về thị hiếu, văn hóa trà của các nước khác thì chúng ta khó có thể xuất khẩu được dòng trà đặc sản. Và mục tiêu của chúng ta trước mắt là tìm chỗ đứng vững cho dòng trà đặc sản Thái Nguyên trên thị trường quốc tế chứ không chỉ dừng lại ở xuất khẩu nguyên liệu với giá trị thấp như hiện nay.

P.V: Trân trọng cảm ơn bà Vũ Thị Thu Hương!

Phương Thảo (thực hiện)
thainguyen.gov.vn