Truy cập nội dung luôn

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nhờ ứng dụng khoa học công nghệ

Trong những năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt những kết quả tích cực, nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã được lan tỏa đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có được thành quả này là nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong tỉnh, trong đó, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Gốc na áp dụng kỹ thuật thâm canh na rải vụ trên địa bàn xã Phú Thượng

Phú Thượng, huyện Võ Nhai là xã miền núi nằm ở phía Đông huyện Võ Nhai, được nhiều người biết đến bởi những địa danh nổi tiếng như: Hang Phượng Hoàng, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà… Nhiều năm trở lại đây, na được xác định là cây mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương với sản lượng cao và chất lượng quả tốt. Bên cạnh thời điểm chính vụ thì hiện nay bà con xã Phú Thượng đã áp dụng mô hình na trồng rải vụ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, kéo dài thời gian thu hoạch na trong năm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Kiều Thượng Chất, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai là người có kinh nghiệm trong việc áp dụng kỹ thuật trồng na rải vụ tại địa phương vì ông đã được tham gia mô hình thâm canh na rải vụ từ năm 2021. Ngoài ra, ông còn tự đi học tập mô hình trồng na rải vụ ở vùng trồng na Chi Lăng, Lạng Sơn. Sau khi đã nắm vững kỹ thuật ông Chất mạnh dạn áp dụng kỹ thuật này cho vườn na với diện tích khoảng 1 ha. Ông cũng cho biết thêm, những quả na rải vụ mọc trong thân, trong cành nên trọng lượng của quả na không hề thua kém những quả na chính vụ, độ ngọt cũng tăng lên vì chúng sinh trưởng vào mùa hanh khô, ít mưa. Hiện nay, gia đình ông Chất còn nghiên cứu thực hiện kỹ thuật canh tác na rải vụ trên giống na Đài Loan, na Thái để vụ na có thể kéo dài đến tết Nguyên đán, phục vụ nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Với hơn 400 gốc na, mỗi năm cho thu hoạch gần 6 tấn/năm, thu nhập vì thế cũng tăng lên gấp đôi so với thông thường.

 

Ông Kiều Thượng Chất, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai chia sẻ về quy trình chăm sóc cây na rải vụ

Thông tin về quá trình ứng dụng KHCN trong xây dựng NTM trên địa bàn, ông Trần Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: UBND xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết và ứng dụng KHCN gắn với chuyển đổi số nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Xã cũng đã đạt chuẩn NTM từ năm 2015, NTM nâng cao năm 2020 và đang phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu.

Cũng là một địa phương có ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, Làng nghề chè Phú Nam 1, huyện Phú Lương được đánh giá là một trong những điểm sáng trong sản xuất, chế biến và kinh doanh chè của xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Làng nghề có trên 60 hộ gia đình thì tất cả đều trồng chè, với diện tích cho thu hoạch là trên 47 ha, trong đó có trên 15 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng bình quân đạt trên 12 tấn chè búp tươi/ năm. Để gia tăng năng suất cây chè, bà con Nhân dân đã được hỗ trợ lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động. Thay vì phải tưới nước thủ công, đến giờ người dân vừa có thể tiết kiệm nhân công, mà lượng nước tưới lại đều nên cây chè phát triển tốt, năng suất và chất lượng đều nâng lên. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, chế biến chè đã mang lại giá trị cao hơn cho sản phẩm trà của làng nghề.

Hệ thống phun tưới tự động trên vườn chè của người dân Làng nghề chè Phú Nam 1, xã Phú Đô

Bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô, Phú Lương cho biết, thấy được hiệu quả của mô hình phun tưới tự động, không chỉ ở Phú Nam 1 mà hiện nay, nhiều xóm trên địa bàn xã Phú Đô đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phun tưới tự động. Chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân, tạo sự tích cực, chủ động học hỏi và mạnh dạn ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Thay vì làm chè đơn giản, truyền thống, chỉ bán được tại chợ, người dân đã chú trọng sản xuất an toàn, đa dạng hóa mẫu mã, xây dựng thương hiệu để không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài, đặc biệt là thị trường EU. Qua đó, người dân nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã trở thành xã NTM nâng cao giai đoạn 2025 - 2030.

Đây là 2 mô hình trong số hàng trăm mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Để triển khai các chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng NTM bền vững, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan đã tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật để giúp người dân thấy được hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nhân rộng các mô hình trong toàn tỉnh.

Theo ông Hoàng Đức Vỹ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, trong những năm qua, Sở đã lồng ghép một số nhiệm vụ KHCN nhằm hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM. Các nhiệm vụ đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Trong đó, các nghiên cứu tập trung vào việc đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, kỹ thuật mới. Qua đó, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất, các sản phẩm chè của huyện Phú Lương có chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp 

Việc ứng dụng KHCN trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đi đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả cho các mô hình được áp dụng. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong hoạt động; đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân về thực hiện các chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM để từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường, tạo diện mạo mới cho nông thôn Thái Nguyên.

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn