Truy cập nội dung luôn

Khởi nghiệp thành công nhờ cây chè

Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Với phụ nữ dân tộc thiểu số thì điều đó càng khó khăn hơn. Nhưng với quyết tâm vươn lên, chị La Thị Tâm, người dân tộc Nùng, đã mạnh dạn khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm. Hiện chị là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Sơn Thành, xóm Lũng 2, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ.

HTX chè an toàn Sơn Thành tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng

Mục sở thị tại khu sản xuất của HTX Chè an toàn Sơn Thành, chúng tôi bị thu hút bởi mùi thơm của những mẻ chè mới được lấy hương. Các nhân công làm việc tại đây nhanh tay đóng gói, dán nhãn mác từng loại sản phẩm. Toàn bộ khu chế biến, bảo quản, đóng gói chè đều được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, chị La Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: Được thành lập từ năm 2011, với 7 thành viên, đến nay HTX đã liên kết với Làng nghề chè xóm Lũng 1, Lũng 2 có diện tích vùng chè là 200ha. Nhiều năm gắn bó với cây chè, tôi luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Muốn vậy, trước hết phải làm chè sạch, an toàn, trên diện tích 200ha tôi đã cùng các thành viên HTX tích cực áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng, chăm sóc và sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ.

Trong quá trình sản xuất, các thành viên, hộ liên kết của HTX được phát Sổ nhật ký nông hộ để ghi chép toàn bộ quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, thời điểm thu hái… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, HTX canh tác chủ yếu là giống chè Long Vân, trung du và lai F1 có năng suất, chất lượng cao. Nhằm đảm bảo chất lượng chè khi xuất bán ra thị trường, thời gian qua, HTX đã không ngừng đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy sao sấy, ủ hương bằng điện, máy hút chân không… Khi có sản phẩm tốt, đơn vị chủ động tiếp cận khách hàng quen trên địa bàn để giới thiệu, quảng bá và tiếp thị sản phẩm; tích cực tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các tỉnh xa ở miền Trung và miền Nam, nơi thị trường tiêu thụ còn khá rộng mở.

Đến nay, HTX có 7 sản phẩm chính với phân khúc giá thành từ 250 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/kg

Nhờ quy trình sản xuất an toàn, chất lượng vượt trội, sản phẩm chè của HTX nhanh chóng chinh phục nhiều khách hàng. Các đại lý tiêu thụ chè của HTX liên tục được mở ở các tỉnh. Cùng với việc quảng bá sản phẩm, HTX còn sản xuất ra nhiều loại chè, với các phân khúc từ bình dân đến cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi đối tượng khách hàng. Trải qua 13 năm phát triển, đến nay HTX có 7 sản phẩm chính với phân khúc giá bán từ 250 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/kg và 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 và 4 sao là trà xanh Sơn Thành, Tôm nõn trà và Đinh đinh trà.

Theo chị Tâm, hình thành sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ tập trung, áp dụng đồng bộ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm là rất cần thiết trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay. Bên cạnh đó, việc liên kết phát triển sản xuất không chỉ đảm bảo về chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn nâng cao thu nhập cho bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Nói về chị Tâm, anh Nông Văn Hùng, người dân tộc Nùng, xóm Lũng 1, xã Phú Lạc cho biết: Chị Tâm là một trong những phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh. Chị đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất chè theo hướng an toàn của bà con trong xã, hướng đến sự phát triển bền vững.

Vùng chè nguyên liệu của HTX Chè an toàn Sơn Thành

Ông Nguyễn Kim Chinh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc, đánh giá: HTX Chè an toàn Sơn Thành dưới sự chèo lái của “thuyền trưởng” La Thị Tâm đã bước đầu thành công trong xây dựng thương hiệu và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tạo việc làm, ổn định đời sống cho các thành viên và người dân trồng chè.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Chinh, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết; định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, địa phương quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất chè, hỗ trợ máy móc thiết bị công nghệ cho việc sản xuất chè vụ đông để tăng giá trị sản phẩm; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX, làng nghề chè sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, Phú Lạc đều kết hợp với các trường nghề, trung tâm đào tạo mở các lớp tập huấn về sản xuất, chế biến chè cho các thành viên HTX, tổ hợp tác, làng nghề, trong đó ưu tiên người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Thanh Thủy
Thainguyen.gov.vn