Truy cập nội dung luôn

Chuyện về một làng nghề chè truyền thống

Tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), được bao phủ bởi một màu xanh bát ngát của những đồi chè. Nhưng ít ai biết được, có một giai đoạn, bà con nơi đây từng ồ ạt chặt bỏ chè để trồng loại cây khác do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè.

Ông Hoàng Xuân Thủy (bên phải), Tổ trưởng tổ dân phố 5, Trưởng Làng nghề chè, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hoàng Trà, trao đổi kinh nghiệm thu hái chè với bà con trong Làng nghề

Đến Làng nghề chè truyền thống xóm 5 (nay là tổ dân phố 5), chúng tôi được thỏa sức ngắm nhìn những đồi chè xanh ngút mắt. Trước đây, tổ dân phố 5 là Đội 5, thuộc Nông trường chè Sông Cầu. Ngược dòng thời gian, khoảng những năm 1960, toàn bộ diện tích chè ở đây là vùng nguyên liệu của Nông trường chè Sông Cầu. Trải qua thời gian, Nông trường dần mất đi vị thế, dẫn tới giải thể, nên diện tích chè được giao cho các hộ nông trường viên.

Trong ngôi nhà bề thế của gia đình, ông Hoàng Xuân Thủy, Tổ trưởng tổ dân phố 5, Trưởng Làng nghề chè, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hoàng Trà, chúng tôi được nghe về sự hồi sinh của vùng chè này. Chép miệng nhấm nháp chén trà dậy hương cốm mới, ông Thủy kể: Khi nhà máy chế biến chè ngưng hoạt động, người dân xóm 5 không còn tin vào nghề trồng chè của cha ông, nhiều gia đình đã chặt bỏ vườn chè.

Với quyết tâm giữ lại nghề truyền thống, ông Thủy cùng cán bộ xóm lúc bấy giờ ra sức vận động bà con không chặt bỏ cây chè. “Tuyên truyền bà con thời đó rất khó khăn! Vì cây chè không đem lại hiệu quả kinh tế, người dân không còn tin vào nghề trồng chè sẽ mang lại cuộc sống ấm no. Có người còn có những câu nói khiếm nhã, nhưng tôi đều bỏ ngoài tai. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” tôi kiên trì đến từng gia đình vận động, tuyên truyền trong các hội nghị và trong cả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm của xóm” - ông Thủy nói.

Ngoài ra, ông Thủy còn đến “gõ cửa” các ngành chuyên môn và trình bày nguyện vọng để được đầu tư vào vùng sản xuất chè. Với công sức của ông và tập thể xóm, đến nay, vùng trồng chè thuộc tổ dân phố 5 được gây dựng lại quy mô sản xuất, đầu tư bài bản, có sản phẩm chè chất lượng và được khách hàng ưa chuộng. 

Theo đó, diện tích trồng chè của tổ dân phố hiện đạt trên 60ha, trong đó hơn 40,7ha chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và 5,3ha chè trồng theo hướng hữu cơ. Tổ dân phố 5 có 151 hộ, 461 nhân khẩu thì có tới 89 hộ gia đình chuyên canh cây chè. Cơ bản các hộ trồng chè trên địa bàn đều có thu nhập cao. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong tổ dân phố đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Tổ dân phố 5 cũng được công nhận Làng nghề chè truyền thống vào cuối năm 2010. Trong Làng nghề, gia đình nào cũng có thiết bị sao, sấy chè hiện đại. Làng nghề có Hợp tác xã Tân Hoàng Trà, với 7 hội viên chính thức và 69 hội viên liên kết. Năm 2022, Hợp tác xã có 1 sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, ông Thủy thường xuyên đưa sản phẩm trà tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ông Thủy chia sẻ: Tham gia dự các hội chợ để nhận định, đánh giá thị hiếu người tiêu dùng để chế biến sản phẩm hợp lòng khách. Hơn nữa, qua đây, tôi muốn giúp lan tỏa để hương trà quê hương bay xa hơn.

Cùng ông Thủy đi thăm những vườn chè, tôi thấy vườn nào cũng được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, nhiều vườn chè còn được cắm biển định danh sản xuất hữu cơ. Vừa nhanh tay hái những búp chè non mơn mởn, chị Vũ Thị Nguyệt tiếp chuyện chúng tôi: Nhờ trồng chè mà gia đình tôi xây được nhà khang trang, nuôi các con ăn học.

Chúng tôi ghé thăm gia đình cụ Vũ Huy Tâm, năm nay gần 90 tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng. Cụ từng nhiều năm làm Bí thư Chi bộ xóm 5. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Tâm tự hào: Cuộc sống của người dân trước đây vất vả lắm. Nhờ Đảng, Nhà nước đưa ra đường lối đổi mới, cán bộ địa phương nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc, cùng với sự cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, bây giờ tổ dân phố 5 đổi mới nhiều lắm!


baothainguyen.vn