Truy cập nội dung luôn

Chén trà được mời ở quán ăn sáng

Quán phở sáng cuối tuần khá đông khách. Xe máy, ô tô đỗ kín đoạn đường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên). Tôi ngạc nhiên thấy trước cửa quán quen hôm nay có gì đó khang khác. Thì ra, làm nên sự “khang khác” đó là cái ô màu trắng in dòng chữ màu xanh: Chè Trại Cài. Dưới tán ô có chiếc bàn nhỏ bày vài bộ ấm chén, mấy hộp trà. Hai cô gái nở nụ cười tươi chào những người bước vào quán.

 

Tiếp thị chè Trại Cài tại quán phở

Tôi có thói quen uống trà ngay sau bữa sáng. Chén trà nóng khiến buổi sáng hoàn hảo, “kích hoạt” một ngày làm việc hiệu quả. Các quán ăn trong thành phố đều có nước trà phục vụ khách, nhưng họ pha loãng, nước nguội, uống bằng cốc nhựa, chất trà xoàng, không “vừa miệng” người nghiện trà như tôi. Đó cũng là lý do để tôi quan tâm đến bàn trà trước cửa quán phở.

Chúng tôi vừa dừng đũa thì một cô gái bưng trà vào, nhẹ nhàng “cháu mời cô chú uống trà”. Nhìn chén nước vàng nhạt, thơm nhẹ, chồng tôi gật gù: Có vẻ được đấy. Tôi nhấp môi, thấy chất trà chát nhẹ, độ đậm vừa vặn, mùi thơm tự nhiên, không thua loại đắt tiền tôi mua ở vùng trà nổi tiếng.

Uống xong chén nước, chồng tôi ra quầy mua mấy gói trà, giá 575.000 đồng/kg, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh mua trà Trại Cài về uống. Cô gái mời trà cho biết tên là Nguyễn Thị Mến, làm việc tại Công ty cổ phần Chè Trại Cài (xóm Cà Phê, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ). Đã mấy tháng nay, Công ty cho người tiếp thị sản phẩm tại một số quán bán hàng ăn sáng trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Tại quán phở này, các cô bán được từ 2 đến 4 kg chè/ngày...

Ấn tượng với cách tiếp thị sản phẩm tận nơi cho khách, tôi tìm gặp anh Trần Văn Khởi, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Trại Cài. Anh Khởi nói lý do anh làm việc này là vì: Khi tâm huyết với điều gì thì người ta sẽ luôn đau đáu nghĩ về cái đó. Tôi yêu trà, không muốn sản phẩm của mình bán ở dạng “vô danh”, thương lái có thể pha trộn với các loại trà khác, làm mất giá trị thứ mà tôi cùng 20 công nhân của mình làm ra, nên quyết tâm đưa thẳng trà đến tận tay người tiêu dùng. Vì thế, thay vì mở quán bán nước trà chờ người đến uống, thì tôi “bưng” trà đến tận nơi mời khách. Mục đích việc làm này của tôi không phải để bán trà mà muốn người tiêu dùng biết tận gốc sản phẩm và tự tay đặt hàng về dùng, không qua trung gian. Nhiều khách hàng sau khi uống trà tại quán ăn đã đặt mua hàng của Công ty.

Đi vào hoạt động từ tháng 5/2022, chiến lược kinh doanh của Công ty cổ phần Chè Trại Cài là “Khẳng định thương hiệu bằng sự khác biệt”. Bao bì chất lượng để bảo vệ sản phẩm và chống làm giả; trên mỗi gói chè có mã QR, rõ địa chỉ, loại nguyên liệu, giá bán; thị trường hướng đến là bán lẻ, đến tận tay người dùng. “Quảng cáo tốt đến mấy mà sản phẩm không tốt cũng không giải quyết vấn đề gì. Bán nhiều hay ít thời điểm hiện nay chưa là mục đích chính mà là lan tỏa thương hiệu. Như thế mới phát triển bền vững” - anh Khởi bày tỏ quan điểm.

Sản phẩm chè của Công ty cổ phần Chè Trại Cài

Hiện nay, Công ty cổ phần Chè Trại Cài đã mở 15 điểm tiếp thị trà tại các quán ăn sáng đông khách trên địa bàn TP. Thái Nguyên và Hà Nội. Theo kế hoạch, năm 2023, Công ty sẽ mở thêm các điểm tiếp thị sang Quảng Ninh và Hải Phòng.

Cách làm này bước đầu đã tạo nên “tệp” khách hàng mua lẻ, dù số lượng bán ra chưa nhiều nhưng đang tăng theo cấp số nhân - Khởi cho biết.

Riêng tôi ấn tượng với phương pháp xây dựng thương hiệu sáng tạo của cơ sở sản xuất chế biến chè này. Cách làm của họ thể hiện sự tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình và sự thiện tâm với khách hàng.

CTV Minh Hằng
thainguyen.gov.vn