Truy cập nội dung luôn

Chàng kỹ sư công nghệ sản xuất chè với 4 chữ An

Đau đáu với sản phẩm chè an toàn, chàng trai trẻ Nguyễn Thái Ninh - người con của huyện Phú Lương đã và đang kiên trì, miệt mài theo đuổi con đường làm trà với 4 chữ An: An toàn thực phẩm, an tâm truy xuất nguồn gốc, an toàn cho người lao động, an toàn sinh học và môi trường.

Nguyễn Thái Ninh Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn Thái Ninh

“Bỏ phố về quê” là cụm từ đúng với con đường mà Nguyễn Thái Ninh lựa chọn. Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật phần mềm của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), chàng trai trẻ làm qua nhiều nghề khác nhau, song không nghề nào khiến anh tìm được đam mê của chính mình với công việc. Thái Ninh đã quyết định rời thành thị sôi động về quê với mục đích ban đầu là dành cho mình một thời gian “chững” để tự trả lời câu hỏi cho bản thân: Đam mê thật sự của mình là gì?

Thời gian ở quê xã Tức Tranh - vùng sản xuất chè trọng điểm của huyện Phú Lương, Thái Ninh đã hoà mình vào cuộc sống sản xuất của bà con vùng chè và của chính gia đình mình. Như một cơ duyên, cây chè, hương trà đã bén duyên với chàng kỹ sư công nghệ. Đưa chúng tôi đi tham quan đồi chè trung du cổ gần 50 năm tuổi, Thái Ninh nhớ về chặng đường lớn lên với cây chè: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê, tôi chứng kiến biết bao vất vả gian nan của ông bà, cha mẹ cũng như người dân quê mình để làm ra những sản phẩm trà. Khi rời giảng đường đại học trở về quê hương, trực tiếp tham gia vào sản xuất với người dân, tôi mới nhận ra rằng hơn 20 năm qua, mặc dù công nghệ và kỹ thuật sản xuất ngày càng được cải tiến song cách thức vận hành quảng bá và thương mại hóa vẫn là khó khăn với người nông dân làm chè. Trăn trở và đắn đo đó cũng là động lực để Thái Ninh nghiêm túc bắt tay vào khởi nghiệp từ chính quê hương, đây cũng là hành trình đầu tiên của thương hiệu Thái Ninh Trà.

Khi được hỏi về khó khăn nguồn vốn ban đầu để khởi nghiệp, chàng trai trẻ dám nghĩ dám làm mạnh dạn chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong mùa xuân, mùa của cây cối đâm chồi lẩy lộc, tôi tin là ai cũng đã từng một lần tự tay trồng cây xanh. Câu chuyện khởi nghiệp của tôi cũng giống như việc trồng cây vậy, tôi may mắn được sinh ra từ một vùng quê có tiềm năng thiên nhiên đặc biệt ưu ái cho cây chè, và cũng tin là hạt giống tốt không chỉ là có thật nhiều tiền để mua, mà còn cần phải có cả sự quyết tâm và kiên trì, dám thất bại và cả dám làm lại nữa”.

Một phần diện tích canh tác của HTX sản xuất chè an toàn Thái Ninh

Không làm lớn ngay từ ban đầu, đúng như Ninh chia sẻ, thương hiệu Thái Ninh Trà đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và trong lòng những thực khách sành trà từ những điều riêng có. Kiên trì theo đuổi con đường làm trà an toàn, Thái Ninh đã vận động 7 hộ dân trong vùng thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất chè an toàn Thái Ninh; đồng thời vận động bà con thực hành tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc chè, dùng phân bón hữu cơ ủ hoai mục, thuốc vi sinh và máy cắt cỏ. Sản xuất chè an toàn dù có tốn công hơn, song Thái Ninh và thành viên của HTX đều tâm niệm: Chỉ khi sạch ngay từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thì sức khỏe của người nông dân cũng như khách hàng mới được đảm bảo. HTX sản xuất chè an toàn Thái Ninh hiện có diện tích khoảng 5 ha, sản lượng mỗi tháng từ 4 đến 5 tấn chè khô (tương đương với 20-25 tấn chè tươi).

Được trao truyền tình yêu với cây chè từ thế hệ trước, song những thanh niên thời đại 4.0 như Nguyễn Thái Ninh lại có con đường riêng để biến tình yêu với cây chè thành hành trình khởi nghiệp. Không có gian hàng cố định ở trung tâm các thành phố lớn như rất nhiều thương hiệu chè khác lựa chọn, Thái Ninh thiết lập riêng cho mình thị trường online với việc tận dụng các hạ tầng số như facebook, website, tiktok, youtube, instagram… để quảng bá và kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Thái Ninh Trà. Nhờ đó mà không chỉ có các đơn hàng trong nước, Thái Ninh Trà đang dần tiếp cận với các thị trường quốc tế thông qua hạ tầng Intenet và công nghệ số.

Sản phẩm mang thương hiệu Thái Ninh Trà

Bằng sự ưu ái của mẹ thiên nhiên, bằng tình yêu của đất và người xứ Thái, cây chè đã bén rễ, từ một loại cây thoát nghèo, nay trở thành cây làm giàu cho biết bao người nông dân, đưa Thái Nguyên trở thành địa danh đệ nhất danh trà trên bản đồ hình chữ S thân yêu. Đứng từ xa quan sát sự miệt mài, cần mẫn của Nguyễn Thái Ninh khi cùng bà con kiểm tra “sức khỏe” của những “cụ chè” đã ngót nghét 50-60 tuổi; tinh thần làm việc chuyên nghiệp của anh khi tận dụng lợi thế của công nghệ số trong quảng bá trà đi muôn phương, chúng tôi tin rằng, ở mảnh đất Thái Nguyên cùng với những búp chè xuân mơn mởn, cũng đã và đang có một thế hệ lớn lên, trưởng thành, bằng tình yêu, trách nhiệm và trí tuệ của những công dân số đã sẵn sàng bắt tay vào nối nghiệp, để hành trình của “Đệ nhất danh trà” được viết tiếp từ màu xanh của những nương chè bát ngát thân thương.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn