Truy cập nội dung luôn

Bảo vệ thương hiệu "Chè Thái Nguyên" - Nâng tầm văn hóa trà, hướng tới cây "Tỷ đô"

Chè Thái Nguyên từ lâu đã được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà” của Việt Nam, chinh phục lòng người bởi hương cốm non thanh tao, vị chát dịu và hậu ngọt sâu lắng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt, vấn nạn trà giả và sự xâm nhập của thương hiệu ngoại, danh trà Việt đang đứng trước thách thức lớn. Không chỉ dừng lại ở một sản phẩm nông nghiệp, chè Thái Nguyên cần được nâng tầm thành văn hóa trà, gắn liền với nghệ thuật thưởng trà và lối sống tinh tế. Do vậy, việc bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã và mở rộng thị trường quốc tế là yếu tố sống còn. Với sự chỉ đạo đúng đắn, bài bản, cây chè Thái Nguyên không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn hướng tới mục tiêu trở thành cây "Tỷ đô" của Thái Nguyên.

Vườn chè trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xóm 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ

Chè Thái Nguyên - Tiềm năng lớn nhưng đối diện nhiều thách thức

Thái Nguyên - Vùng đất trung du từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm “Trà Bạch hạc”, đã được người sành uống trà trong nước và quốc tế biết tới. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng, cùng bề dày văn hóa lâu đời, chè Thái Nguyên không chỉ là một loại nông sản, mà còn là biểu tượng của nghệ thuật thưởng trà Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt, thương hiệu chè Thái Nguyên đang đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng hàng giả, hàng nhái bày bán ở nhiều tỉnh, thành phố cả nước. Làm thế nào để bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và đưa chè Thái Nguyên vươn tầm thế giới là bài toán cần lời giải từ nhiều phía.

Theo thống kê từ ngành Nông nghiệp năm 2024, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt trên 22,2 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 272,8 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà đạt 13,8 nghìn tỷ đồng, tỉnh Thái Nguyên hiện là địa phương có diện tích, sản lượng, giá trị thu nhập từ cây chè, cũng như giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng chè lớn nhất cả nước. Với sản lượng và chất lượng vượt trội, Thái Nguyên là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất và chế biến chè; giá trị kinh tế từ cây chè cũng rất cao, giá chè búp khô loại 1 có giá từ 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/kg, chè tôm nõn từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg, các sản phẩm chè cao cấp như trà đinh, trà ướp sen có giá bán từ 1,5 đến 7 triệu đồng/kg.

Bên cạnh sản lượng lớn, chè Thái Nguyên còn khẳng định vị thế trên thị trường nhờ vào chất lượng sản phẩm. Hiện tỉnh có 193 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao, trong đó, có 2 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia; 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè được cấp xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thương hiệu chè Thái Nguyên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thương hiệu chè Thái Nguyên vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tình trạng chè giả, chè kém chất lượng đội lốt thương hiệu "Chè Thái Nguyên" trên thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín sản phẩm. Việc sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" còn chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ, khiến nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được bán dưới vỏ bọc bao bì gắn nhãn mác “Chè Thái Nguyên”; sản phẩm chè Thái Nguyên được bày bán công khai ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hoặc đưa vào trong các gói quà tặng, quà Tết, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu sản phẩm "Chè Thái Nguyên".

Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, Chỉ dẫn địa lý Tân Cương và các nhãn hiệu tập thể chè của các vùng ở các huyện, thành phố

Do chưa có hệ thống kiểm soát chặt chẽ đối với việc sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên", dẫn đến tình trạng trà không rõ nguồn gốc được bày bán dưới thương hiệu "Chè Thái Nguyên". Mặt khác, Thái Nguyên chưa khai thác được tiềm năng giá trị văn hóa và du lịch trà, trong khi nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc đã rất thành công trong việc biến văn hóa trà thành lợi thế cạnh tranh.

Giải pháp xây dựng thương hiệu "Chè Thái Nguyên" phát triển bền vững

Theo nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, để chè Thái Nguyên có thể bứt phá, cần tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: Chất lượng sản phẩm, văn hóa trà và chiến lược truyền thông. Ông nhấn mạnh rằng: “Trà không chỉ là một loại thức uống, mà còn là tinh hoa văn hóa, nghệ thuật. Để thương hiệu "Chè Thái Nguyên" vươn tầm quốc tế, không chỉ cần nâng cao chất lượng, mà còn phải xây dựng một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn, giúp chè Thái Nguyên ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng”.

 

Tọa đàm trực tuyến về văn hóa trà trên Cổng thông tin điện tử tỉnh có sự tham gia của nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng

Một trong những giải pháp quan trọng là tiêu chuẩn hóa sản xuất chè theo hướng hiện đại. Các hộ trồng chè và doanh nghiệp cần mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Việc xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới phân khúc chè cao cấp. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế và chỉ dẫn địa lý sẽ giúp chè Thái Nguyên có chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu. Thành lập một tổ chức liên hiệp hợp tác xã, củng cố và nâng cao hiệu quả, quy mô sản xuất của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trồng chè nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn, kinh nghiệm sản xuất, trình độ quản lý... Từ đó, tạo ra sản phẩm chè có chất lượng cao với sản lượng lớn, góp phần tạo đà cho xuất khẩu trà, nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh chè là một xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp chè Thái Nguyên cần tận dụng các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada, Amazon... để mở rộng thị trường. Đồng thời, việc quảng bá qua các nền tảng mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Tiktok... sẽ giúp chè Thái Nguyên tiếp cận nhiều hơn với khách hàng quốc tế. Ngoài ra, công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng QR Code cũng cần được áp dụng rộng rãi để tăng niềm tin của người tiêu dùng. Cùng với đó, cần có giải pháp số hóa để quản lý bao bì gắn nhãn hiệu tập thể “Chè thái Nguyên” thông qua các hợp tác xã và doanh nghiệp khi sử dụng; tăng cường giới thiệu quảng bá để nâng cao nhận biết về sản phẩm chè Thái Nguyên đối với người tiêu dùng.

Một hướng đi quan trọng khác là phát triển du lịch vùng trà nhằm khai thác đa giá trị giữa phát triển ngành chè gắn với văn hóa, lịch sử, du lịch, dịch vụ và môi trường. Thái Nguyên sở hữu nhiều làng chè lâu đời như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, có tiềm năng lớn để kết hợp sản xuất chè với du lịch trải nghiệm. Việc xây dựng các tour du lịch trà, tổ chức lễ hội trà và quảng bá văn hóa trà không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh mở rộng kênh phân phối gắn với quản lý chất lượng chè Thái Nguyên tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh đã triển khai, phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tuyên truyền, quảng bá văn hóa trà và giới thiệu điểm đến du lịch Thái Nguyên trên tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên; triển khai giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trà Thái Nguyên trên các tuyến đường sắt trong cả nước.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Tức Tranh, Phú Lương thu hái chè xuân

Hướng tới mục tiêu đưa chè Thái Nguyên trở thành ngành hàng "tỷ đô"

Tại Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè đạt 2.450 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 300.000 tấn; phấn đấu giá trị sản phẩm từ cây chè đạt 25.000 tỷ đồng; có ít nhất 250 sản phẩm trà được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3-5 sao, trong đó có ít nhất 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao; 100% sản phẩm trà và sản phẩm từ chè được thương mại điện tử trên nền tảng số. Mục tiêu đưa chè trở thành ngành hàng tỷ đô, góp phần quan trọng vào nền kinh tế.

Bảo vệ và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, nâng tầm trở thành “Văn hoá trà” là giải pháp căn cơ lâu dài, đây không chỉ là trách nhiệm của người trồng chè hay doanh nghiệp, mà còn là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Người nông dân, chè Thái Nguyên mới có thể bứt phá, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và trở thành niềm tự hào của Việt Nam.

Ông Đinh Huy Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tâm huyết chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên đã được “cha thiên, mẹ địa” ưu đãi, ban tặng một vùng thổ nhưỡng tuyệt vời mà không một tỉnh, thành phố nào ở Việt Nam có được. Tỉnh Thái Nguyên cần có học viện trà, lấy tên là “Học viện trà Việt Nam. Từ học viện này, những nghệ nhân về trồng chè, chế biến chè, văn hóa trà và các trà nương được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản. Cùng với đó, chúng ta cần chú trọng việc bán hàng trên các nền tảng thương mại quốc tế.

Đã đến lúc chè Thái Nguyên không chỉ là “Đệ nhất danh trà” của Việt Nam, mà còn là biểu tượng văn hóa trà Việt để chinh phục thị trường thế giới, khẳng định vị thế trên bản đồ trà thế giới.

Đức Năm
thainguyen.gov.vn