Truy cập nội dung luôn

Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên: Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người gắn bó, quan tâm đặc biệt đến tỉnh Thái Nguyên. Người đã ở và làm việc tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên lãnh đạo đất nước trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954). Khi Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển về Thủ đô Hà Nội, Bác có 7 lần trở lại thăm hỏi đồng bào Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên) vinh dự được Bác Hồ đến thăm trong lần cuối cùng Bác về Thái Nguyên (31/12/1963).

Tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi tưởng niệm Người trong khuôn viên Nhà trường

Trong lần thăm Thái Nguyên vào ngày cuối cùng của năm 1963, Bác Hồ đã dành thời gian đến Trường Đảng tỉnh và nhắc nhở giáo viên, học viên phải dạy tốt, học tốt, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng cần, khi tổ chức giao cho.

Khắc ghi lời dạy của Bác, 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên Nhà trường đã nỗ lực xây dựng Trường Chính trị tỉnh là địa chỉ tin cậy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính.

Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên tiền thân là Trường Đảng tỉnh Thái Nguyên được thành lập ngày 4/7/1957. Trong suốt chiều dài xây dựng và trưởng thành, Nhà trường luôn xác định rõ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là mục tiêu hàng đầu trong mọi hoạt động, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, kiến thức về lý luận chính trị, hành chính và chuyên môn; có kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tư duy đổi mới với tầm nhìn xa và khả năng đoàn kết, tập hợp lực lượng nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương. Cùng với đó là thực hiện các giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú trọng và tăng cường thực hành kỹ năng xử lý công việc trong các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao khả năng vận dụng sáng tạo lý luận để giải quyết, xử lý hiệu quả các tình huống thực tiễn.

Giảng viên Vũ Mạnh Hà, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng truyền đạt chuyên đề Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại cho học viên Lớp Trung cấp Lý luận chính trị

Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường luôn có sự đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động, từ việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu thực tiễn và đối tượng học viên, đến nội dung chương trình được cụ thể hóa theo phương châm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, sắp xếp các môn học, phần học đảm bảo khoa học, đan xen học lý thuyết với thảo luận, đi nghiên cứu thực tế, viết thu hoạch, báo cáo chuyên đề thực tế...; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các giảng viên chủ động cập nhật kiến thức, quan điểm, quy định mới của Đảng và Nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ giảng viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy; giáo án lên lớp phải đảm bảo theo yêu cầu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và phải được Trưởng khoa xác nhận, Ban Giám hiệu phê duyệt. Hàng năm, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn lượt học viên. Tính riêng năm 2023, Nhà trường đã tổ chức và phối hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng 62 lớp với trên 3.600 lượt học viên ở các loại hình: Trung cấp lý luận chính trị; cao cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương; các lớp bồi dưỡng theo chức danh...

Lễ bế giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh K.Đ23.06 tại Trường Chính trị tỉnh (tháng 9/2023)

Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Nhà trường tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, chất lượng các công trình nghiên cứu được nâng lên, đáp ứng yêu cầu về mặt lý luận và thực tiễn để bổ sung, ứng dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Ban Giám hiệu chủ trương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng áp dụng thực tiễn của các đề tài khoa học. Yêu cầu 100% giảng viên phải thực hiện nghiên cứu khoa học theo đúng quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Từ năm 2022, Nhà trường thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn theo Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến nay, đối chiếu với các tiêu chí chuẩn mức 1, Nhà trường đã đạt 47/55 tiêu chí. Nhà trường đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ phận khoa, phòng và cá nhân phụ trách các nội dung liên quan đến hồ sơ trường chuẩn theo quy định, đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm và xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong công tác xây dựng trường chuẩn.

Đồng chí Nguyễn Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu tại Hội thảo khoa học “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ trong giáo dục lý luận chính trị” được tổ chức tháng 11-2023

Đồng chí Nguyễn Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Phát huy những thành tích đạt được và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng và tăng cường thực hành kỹ năng xử lý công việc trong các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao khả năng vận dụng sáng tạo lý luận để giải quyết, xử lý hiệu quả các tình huống thực tiễn; nâng cao chất lượng đi đôi với mở rộng loại hình và hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng bám sát nghị quyết đại hội Đảng các cấp; phấn đấu xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2024 và đạt chuẩn mức độ 2 trước năm 2030… để xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây tròn 60 năm.

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn