Truy cập nội dung luôn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Di sản để lại còn sống mãi

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Nhân dân với quan điểm nhất quán “Lấy con người, lấy Nhân dân làm chủ thể phụng sự”. Những hình ảnh, câu nói của cố Tổng Bí thư đã khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ về tấm gương người cộng sản trung kiên; truyền cảm hứng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục sự nghiệp của Đảng để đất nước ngày càng giàu mạnh. Tổng Bí thư ra đi nhưng những di sản trọn đời vì nước, vì dân mà ông để lại còn sống mãi trong lịch sử Việt Nam.

Ngày 3/9/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại tỉnh Thanh Hóa. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc xã Mường Chanh, huyện Mường Lát. (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Trọn đời vì đất nước, vì dân tộc, vì Nhân dân

80 năm tuổi đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, trong đó có 7 nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 6 nhiệm kỳ tham gia Bộ Chính trị; hơn 13 năm giữ chức Tổng Bí thư, gần ba năm kiêm chức Chủ tịch nước, hai khóa là Chủ tịch Quốc hội. Ông để lại dấu ấn về mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - trở thành hình mẫu về phong cách sống bình dị cho các thế hệ đảng viên, Nhân dân noi theo.

Trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư luôn trăn trở với công tác tư tưởng của Đảng, coi trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Kho tàng nghiên cứu của ông được thể hiện trong 35 đầu sách, cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới về đầy đủ các lĩnh vực: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, phòng chống tham nhũng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, ngoại giao, văn hóa...

Cùng với đó là những chính sách đột phá về kinh tế, văn hóa. Đáng chú ý là năm 2017, lần đầu tiên Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân. Nghị quyết đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hai năm sau, một chủ trương có tính đổi mới khác tiếp tục được Bộ Chính trị ban hành, đó là nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Các quyết sách đổi mới về kinh tế của Tổng Bí thư trong 3 nhiệm kỳ lãnh đạo đều được xây dựng trên cơ sở vận dụng sáng tạo một nền tảng tư tưởng thống nhất: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Song song với phát triển kinh tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chấn hưng văn hóa bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc nhanh chóng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Đây là cách để củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước.

Chiều ngày 12/12/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Trên phương diện quốc tế, di sản nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là đường lối “ngoại giao cây tre” - vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách dân tộc. Hiện, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh chính trị thế giới phức tạp những năm qua, nghệ thuật “ngoại giao cây tre” với lập trường đối ngoại đa phương của Việt Nam ngày càng phát huy hiệu quả, ghi dấu ấn trên trường quốc tế.

Mối lương duyên và sự quan tâm đặc biệt đối với Thái Nguyên

Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình, dù trên cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều luôn giản dị, luôn quan tâm gần gũi và có những chỉ đạo sâu sát với cơ sở. Đối với Thái Nguyên, ông có mối lương duyên và dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho mảnh đất “Thủ đô gió ngàn”.

Trong chuyến công tác đến thăm và làm việc tại Thái Nguyên ngày 10/1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Tôi có duyên với Thái Nguyên từ ngày xưa, được hít thở không khí, được đồng bào ở đây nuôi dưỡng và không khí ấy đã nhiễm vào người tôi”. Mối duyên đó chính là 2 lần ông lên Thái Nguyên ở khi còn trẻ. Lần thứ nhất, ông theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên, sống ở Phổ Yên năm 1947 khi mới lên 3. Lần thứ 2, khi đang là sinh viên Ngữ văn, ông cùng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ (Thái Nguyên) từ năm 1965 đến 1967 - giai đoạn đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt. Chính trong thời gian này, ông vinh dự được kết nạp Đảng ngay trên ghế Nhà trường nhờ thành tích học tập và thành tích xuất sắc trong các phong trào xung kích của tuổi trẻ.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên dịp Xuân Quý Mão 2023. (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Sau này, trên các cương vị khác nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều lần thăm và làm việc tại Thái Nguyên. Tổng Bí thư đã có những định hướng và chỉ đạo rất sát, vừa mang tính chiến lược, tổng quát, lại vừa rất cụ thể, sát với tình hình thực tiễn của tỉnh, giúp Thái Nguyên không ngừng phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên vào ngày 10/1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thái Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tỉnh luôn đóng vai trò vừa là “phên giậu”, vừa là “hậu phương” vững chắc để quân và dân ta triển khai lực lượng chống giặc ngoại xâm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận: Trong điều kiện đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Tỉnh đã xác định 5 định hướng lớn để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đây thực sự là những chủ trương và hướng đi rất đúng, rất trúng.

Tổng Bí thư lưu ý, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh cần xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương để lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Trong quá trình lãnh đạo và triển khai các nhiệm vụ thì phải có sự phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả”; nêu cao tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt quan tâm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực phát triển, xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trước đó (tháng 11/2014), trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là huyện Phổ Yên có chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng. Thái Nguyên nói chung và huyện Phổ Yên cần chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là đối với khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp; chú ý quản lý đất đai; đào tạo nghề cho lao động; bảo đảm môi trường, nhất là môi trường văn hóa, xã hội để phát triển bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới cần chú ý tính thiết thực, bền vững, không chạy theo phong trào. Tổng Bí thư nhấn mạnh, vấn đề quyết định là con người, trước hết là cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý,... Do vậy phải làm tốt công tác xây dựng Ðảng.

Ngày 30/12/2009, trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc tại xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: TL)

Tháng 12/2009, làm việc tại xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ, khi trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Thực tế tại Hùng Sơn cho thấy, không phải là cứ đưa nhiều nhà máy, công nghiệp nặng vào là công nghiệp hóa mà phải tính đến đặc thù của địa phương. Thế mạnh của Hùng Sơn là cây chè, lúa, trồng màu, chăn nuôi, phát triển mô hình kinh tế trang trại... Vậy thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chế biến để làm ra sản phẩm hàng hóa là công nghiệp hóa. Đồng chí đặt ra yêu cầu tập trung phát triển kinh tế nhưng vẫn phải giữ được môi trường, tình làng nghĩa xóm, bản sắc văn hóa của dân tộc; tránh tình trạng ham làm kinh tế mà "nhạt Đảng", "khô Đoàn", "xa rời chính trị". Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Lòng dân yên thì mới có được cơ sở bền vững để phát triển đất nước.

Nhìn lại những chuyến công tác, thăm và làm việc tại Thái Nguyên trên các cương vị khác nhau, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều rất quan tâm động viên và có chỉ đạo, định hướng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh những nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn phát triển. Nhân dân Thái Nguyên đều nhớ đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với hình ảnh một vị lãnh đạo ân cần, giản dị, tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào. Đồng chí luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; thể hiện sự đức độ, trí tuệ, lối sống giản dị, khiêm nhường, chân thành và tinh thần làm việc quyết liệt, không biết mệt mỏi. Những định hướng, chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “kim chỉ nam” để Đảng bộ tỉnh xây dựng nghị quyết, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển.

Trần Nhung (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn