Truy cập nội dung luôn

Hiện thực hóa mục tiêu phát triển TP. Thái Nguyên văn minh, hiện đại

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Thái Nguyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong những mục tiêu tổng quát là “…đổi mới, sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng TP. Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững theo hướng văn minh, hiện đại”. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, đến nay, Thành phố đã đạt những thành tựu quan trọng. Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Văn Lượng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên.

Với quyết tâm, nỗ lực và những thành tựu đã đạt được, năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Thái Nguyên đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ Ba) - Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương cho lãnh đạo TP. Thái Nguyên

P.V: Trước hết, xin được chúc mừng những thành tựu nổi bật mà T.P Thái Nguyên đã đạt được. Đồng chí có thể cho biết, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ được TP. Thái Nguyên cụ thể hóa như thế nào?

Đồng chí Dương Văn Lượng: Ngay sau thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP. Thái Nguyên đã kịp thời tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và thành phố; gắn việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng với xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; ban hành 19 đề án và danh mục các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025; hằng năm ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã tổ chức làm việc với 32 xã, phường và các chi, đảng bộ trực thuộc để lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

TP. Thái Nguyên là đơn vị đứng đầu các huyện, thành phố (có điểm số cao nhất) về Chỉ số DDCI năm 2022. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện được xếp hạng chất lượng điều hành tốt, có điểm số xếp hạng 1-2-3

P.V: Đồng chí có thể đánh giá tổng quát những kết quả TP. Thái Nguyên đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII ?

Đồng chí Dương Văn Lượng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên lần thứ XVIII đề ra 10 nhóm chỉ tiêu. Đến nay, cơ bản chúng tôi thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu theo lộ trình. Cụ thể, tốc độ tăng của ngành nông, lâm nghiệp năm 2021 đạt 4,2%, năm 2022 là 4,3%; dự kiến bình quân 5 năm tăng 5,1% (mục tiêu bình quân tăng trên 5%). Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương năm 2021 tăng 10,8%, năm 2022 tăng 15%; dự kiến bình quân 5 năm tăng 12,6% (mục tiêu tăng bình quân trên 5%/năm). Thu ngân sách năm 2021 tăng 5,84%, năm 2022 tăng 37,27%; dự kiến bình quân 5 năm tăng 10% (mục tiêu tăng hằng năm 10%). Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đến năm 2025 đạt 180 triệu đồng/ha (bằng mục tiêu Nghị quyết). Dự ước năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,54%, hộ cận nghèo xuống còn 0,64% (mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,9%; hộ cận nghèo xuống còn 1,0%).

Bình quân 2 năm 2021 và 2022 có 93,9% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém; 97% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 17,65% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra).

Trong sự phát triển của TP. Thái Nguyên có sự đóng góp không nhỏ của các doanh ngiệp, hợp tác xã. (Trong ảnh: Lãnh đạo TP. Thái Nguyên khen thưởng các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội TP. Thái Nguyên)

P.V: Đi sâu vào kết quả cụ thể, định hướng phát triển nhanh và bền vững theo hướng văn minh, hiện đại đã được TP. Thái Nguyên thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Văn Lượng: Để đạt mục tiêu nói trên, TP. Thái Nguyên đã quan tâm thu hút đầu tư và thu được hiệu quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn thành phố có 10 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 14.800 tỷ đồng và các dự án đề nghị điều chỉnh chủ trương. Thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất đầu tư các dự án như: Khu đô thị mới Linh Sơn - Huống Thượng với tổng diện tích trên 110 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng; dự án Toà nhà hỗn hợp ở, thương mại dịch vụ cao tầng tại phường Hoàng Văn Thụ; dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên…

Một góc đô thị TP. Thái Nguyên

Công tác quy hoạch, quản lý chỉnh trang đô thị có chuyển biến tích cực. Chúng tôi đang tiến hành lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đến năm 2045; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000. Hiện có 94% diện tích đất nội thành được quy hoạch phân khu; 48% đất nội thành được quy hoạch chi tiết. Công tác quản lý dịch vụ đô thị được tăng cường; chất lượng dịch vụ ngày một nâng cao. Đến nay, 100% lượng rác thải rắn đô thị và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý hợp vệ sinh; 52,3 km đường đô thị được hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh, các đường, phố chính trong đô thị được quan tâm đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp, từng bước đồng bộ, hiện đại, góp phần xây dựng đô thị ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Trật tự xây dựng đã từng bước đi vào nền nếp; ý thức người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị được nâng lên rõ rệt.

100% các chợ đủ điều kiện đã triển khai thực hiện mô hình chợ 4.0, người dân đã chủ động thay đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch (Trong ảnh: Người mua hàng tại chợ Thái, TP. Thái Nguyên  thanh toán theo hình thức quét mã QR trên smartphone)

Ngoài ra, TP. Thái Nguyên cũng ban hành chương trình hành động cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Điểm nhấn đáng chú ý là hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư hoàn thiện hiện đại; hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình triển khai hiệu quả. Đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC), hệ thống camera giám sát trật tự an toàn đô thị thành phố. Kinh tế số phát triển nhanh, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; thương mại điện tử phát triển mạnh, 100% các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; 100% các chợ đủ điều kiện đã triển khai thực hiện mô hình chợ 4.0, người dân đã chủ động thay đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch; hoàn thành việc triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính giúp TP. Thái Nguyên tạo môi trường đầu tư thông thoáng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn. (Trong ảnh: Công trình trọng điểm cầu Huống Thượng thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực - thành phố Thái Nguyên dự kiến hoàn thành trong tháng 8 năm 2023)

P.V: Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của cả nhiệm kỳ, những giải pháp trọng tâm sẽ được Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Thái Nguyên tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Văn Lượng: Bám sát nội dung Nghị quyết, cấp uỷ, chính quyền các cấp của TP. Thái Nguyên sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu tổng quát, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 10 chỉ tiêu chủ yếu và 6 nhóm giải pháp chủ yếu đã được thông qua. Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ TP. Thái Nguyên đã thảo luận, thống nhất các giải pháp cụ thể về các lĩnh vực phát triển kinh tế; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường và thu hút đầu tư; văn hóa - xã hội; cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chương trình chuyển đổi số; công tác quốc phòng, an ninh; công tác xây dựng hệ thống chính trị.

TP. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 11/11 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 6/11 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. (Trong ảnh: Thu hái chè ở xã Tân Cương)

Từ nay đến năm 2025, TP. Thái Nguyên cũng phấn đấu hoàn thành 11/11 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 6/11 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và từ 2-3 xã chuyển thành phường.

Để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, các khu dân cư, khu đô thị, công viên cây xanh để làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, cải tạo môi trường, xử lý rác thải, chất thải. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về hạ tầng, quy hoạch, đất đai, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực, an ninh, trật tự. Khuyến khích và ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; du lịch, dịch vụ; các ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trần Nhung (thực hiện)
thainguyen.gov.vn