Truy cập nội dung luôn

Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm 2024 đến nay công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao trong chỉ đạo điều hành và thực hiện, đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.

Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ tài chính du lịch Nha Trang của Tập đoàn Phúc Sơn có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Ảnh: Báo Lao động

Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, thời gian qua, tình trạng tham nhũng tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành công an đã phát hiện hơn 3.000 vụ phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu với hơn 4.900 đối tượng, tăng 21,63% về số vụ và tăng 47,12% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, có nhiều vụ án lớn, tính chất rất phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến một số cán bộ cấp cao và nhiều địa phương trên cả nước, như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can để điều tra về các tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hiện, cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ, đồng thời mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt gồm hơn 300 tỷ đồng, hai triệu USD, hơn 500 lượng vàng; tạm giữ hơn 1.000 sổ đỏ. Đây là vụ án liên quan đến nhiều dự án bất động sản tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

Đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam tám bị can để điều tra về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ. Quá trình điều tra cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên doanh, tham gia và trúng 32 gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố với tổng giá trị hơn 23.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong hai năm 2022-2023, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỷ đồng; trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau Covid-19.

Bên cạnh các biện pháp quyết liệt trong phòng, chống và đẩy lùi tham nhũng ở Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay, các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, tạo bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương; qua đó khẳng định cuộc chiến phòng, chống tham nhũng không chỉ "nóng" ở trên. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, vừa trực tiếp kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương; khẩn trương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc chưa bảo đảm yêu cầu. Công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án vẫn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ điều tra xử lý vụ án, vụ việc. Giá trị tài sản tham nhũng phải thu hồi còn tồn đọng lớn, trong đó nhiều địa phương tỷ lệ thu hồi đạt thấp.

Với mục tiêu kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ, quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Các tỉnh, thành phố cần rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án, gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các công ty có liên quan thực hiện tại địa phương mình; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương giao và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo..., các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương kết luận giám định, định giá liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Tòa án Nhân dân tối cao tiếp tục tập trung chỉ đạo các tòa án tổ chức xét xử nghiêm minh, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; xử lý nghiêm một số vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang quyết tâm thực hiện.


nhandan.vn