Thái Nguyên trong mắt du khách
29-07-2024 14:53
Du khách tại Khu du lịch sinh thái Nhà Tôi, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên).
Bàn về tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng: Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc. Thái Nguyên đã phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở phát huy về lợi thế, tiềm năng, tạo được dấu ấn đẹp trong lòng du khách. Đặc biệt, Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước để tuyên truyền, quảng bá, mở mới các tour, tuyến du lịch, tạo được cơ hội mới cho ngành Du lịch phát triển.
Nhờ có nhiều đổi mới về sản phẩm và chất lượng phục vụ, lượng du khách đến với Thái Nguyên đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2022, ngành Du lịch tỉnh đón hơn 2,1 triệu lượt du khách, tăng 3,77 lần so với năm 2021; năm 2023 đón gần 2,5 triệu lượt du khách, tăng gần 15% so với năm 2022; 6 tháng đầu năm 2024 đón gần 1,9 triệu lượt du khách, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo 6 tháng cuối năm, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục đón nhận những tín hiệu vui, bởi trước đó, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã có hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, ký kết hợp tác về phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với mục tiêu hướng đến du lịch xanh, gắn truyền thống với hiện đại, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, ngành Du lịch Thái Nguyên đang từng bước trở thành vùng đất đáng đến trên cả nước.
Ông Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng Khoa Du lịch (Đại học Văn Hóa Hà Nội), chia sẻ: Du lịch là đi và đến. Các khu, điểm du lịch của Thái Nguyên đã khéo léo tạo cảnh quan, xây dựng thêm sản phẩm mới tạo ấn tượng đẹp đối với du khách. Đây là lý do du khách “bị” hấp dẫn, lưu lại qua đêm và bạo chi hơn trong thời gian tham gia các tour, tuyến du lịch. Nhưng để phát triển bền vững, các doanh nghiệp làm du lịch ở Thái Nguyên nên có sự thay đổi tư duy trong liên kết, không nên làm đơn lẻ. Chỉ có liên kết, chia sẻ ngành du lịch mới phát triển mạnh, xứng tầm.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, cho biết: Bận rộn nhất là vào dịp lễ, tết, các khu, điểm du lịch trở nên đông đúc. Ví như kỳ nghỉ 30-4, 1-5 năm nay, nhiều khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh đạt công suất phòng từ 80 đến 100%; nhiều nhà hàng kín chỗ phải nhận phục vụ du khách theo giờ.
Còn ông Chi Hu, du khách Hàn Quốc, cho biết: Dù lần đầu đặt chân đến Thái Nguyên, nhưng tôi đã biết rõ về vùng “đất thép, xứ trà” của các bạn có khu du lịch mang câu chuyện tình yêu huyền thoại của chàng Cốc, nàng Công; biết đến vùng đất ATK Định Hóa; rồi địa điểm có 60 thanh niên xung phong anh dũng chiến đấu và hy sinh…
Ngành Du lịch Thái Nguyên đón hơn 20.000 lượt du khách nước ngoài/năm. Trong ảnh: Khách nước ngoài thưởng trà tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).
Ông dừng lời như để tận hưởng không khí trong lành của “đất thép, xứ trà”, giây lát ông hỏi tôi, rồi lại tự trả lời: Bạn có hiểu vì sao tôi biết đến Thái Nguyên của Việt Nam, và khi đến Việt Nam tôi chọn đến Thái Nguyên không? Vì các bạn làm rất tốt khâu tuyên truyền, quảng bá. Tôi biết rõ nhờ báo chí và các nền tảng mạng xã hội.
Thế giới nằm trong lòng bàn tay. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động, vào mạng Internet, thêm mấy cái nhấp chuột bạn có thể cập nhật được thông tin cần tìm. Ông Chi Hu ở cách Việt Nam chừng 4.000km đường biển biết đến Thái Nguyên của Việt Nam cũng nhờ mạng Internet. Tự hào vì quê hương Thái Nguyên đang hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Song bên cạnh những lời nhận xét của du khách làm chủ nhà “bùi tai”, ngành Du lịch của tỉnh không khỏi còn những gợn sạn cần khắc phục ngay.
Bà Trương Thị Hương Hòa, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: Du lịch Thái Nguyên có nhiều điểm khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác. Chúng tôi đến là vì điều đó. Nhưng một số khu, điểm du lịch có sản phẩm na ná giống nhau, tạo tâm lý nhàm chán. Ví như khi đến các khu, điểm du lịch kế tiếp vẫn thấy cô gái mặc áo dân tộc thiểu số bán cơm lam, rau rừng như ở khu điểm đến trước đó…
Còn ông Trần Minh Toàn, du khách đến từ TP. Đà Nẵng, góp ý: Để mỗi khu, điểm du lịch có một sản phẩm riêng, các hợp tác xã làm du lịch, hộ tham gia làm du lịch cộng đồng cần chia sẻ, thống nhất và điều tiết các sản phẩm lưu niệm bày bán, cả trang phục, cách thức phục vụ cũng nên khác nhau. Từ đó mới tạo ra tour, tuyến hợp lý, đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Với hơn 1.000 điểm đến, song nổi bật và hiện đang được khách du lịch đánh giá cao là các điểm: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc (Đại Từ); Khu di tích Quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915; Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên); Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (Võ Nhai)… Các điểm đến ngày càng có sức thu hút du khách, đồng thời du khách cũng cảm nhận được sự thỏa mãn hơn khi sử dụng các dịch vụ trong thời gian tham quan, trải nghiệm tại “đất thép, xứ trà”.
baothainguyen.org.vn