Truy cập nội dung luôn

Một ngày ở Bản Quyên

Những ngày tháng 3, cái tiết trời “đỏng đảnh” như một cô gái mới lớn, lại rất thích hợp cho những chuyến đi. Những người ưa dịch chuyển như tôi, thường sẽ lựa chọn thời điểm mùa xuân cho những chuyến đi, vì thú thật, tôi có phần không ưa thích cái nắng gắt của mùa hè và lại càng không hợp với nền nhiệt lạnh giá của mùa đông. Và hành trình này, tôi chọn cho mình lịch trình trải nghiệm khám phá điểm đến lịch sử, văn hóa Bản Quyên.

Tấm bia đá khắc ghi giá trị lịch sử cách mạng kháng chiến đồi Khau Tý 

Rời trung tâm thành phố, tôi cùng một số người bạn chung sở thích, tự lái xe để đến với xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Trên suốt hành trình, tôi luôn tự hỏi, ai đã đặt tên cho Bản Quyên mà duyên dáng đến vậy. Cái tên vừa gợi nhớ đến những miền quê bình yên, vừa gợi tưởng đến hình ảnh một thiếu nữ Tày mộc mạc mà chân thành. Bản Quyên ngay trước mắt chúng tôi, dựa lưng vào dải đồi thấp với những cánh đồng lúa rộng mênh mông. Đặt chân đến Bản Quyên, với sự giúp đỡ của người dân địa phương, chúng tôi đến thăm địa điểm đầu tiên, đó là Di tích lịch sử quốc gia đồi Khau Tý. Tấm bia đá trước khu di tích như khắc ghi vào không gian và thời gian, nhắc nhớ cho thế hệ muôn đời sau về những giá trị lịch sử của địa điểm này.

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn đồi Khau Tý, thuộc xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây, Bác Hồ cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng quyết định đến vận mệnh của dân tộc. Trong đó, có Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng 15/10/1947 để ra Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc”. Cũng trong thời gian ở đồi Khau Tý (từ ngày 20/5 đến tháng 10/1947), Bác đã viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp”; tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - tài liệu quan trọng về xây dựng Đảng, học tập, tu dưỡng tư tưởng đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên; ký Sắc lệnh lấy ngày 27/7 là Ngày Thương binh, liệt sĩ... Với ý nghĩa lịch sử đó, năm 2007, Di tích đồi Khau Tý được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Khuôn viên Di tích được bảo tồn rất cẩn thận, chúng tôi dảo bước lên Đồi Khau Tý và cảm nhận “như còn đâu đây bóng hình của Bác”, khi cảnh và vật đều nhuốm màu thời gian và chứng tích: Đó là căn lán Bác làm việc, là nơi Bác từng tập thể dục, là gốc cây đa nơi Bác sáng tác bài thơ Cảnh khuya; là cây trám cổ vẫn còn vẹn nguyên….Thiêng liêng biết bao, Khau Tý!. 

Cây Đa Khau Tý - nơi đây Bác Hồ đã viết bài thơ "Cảnh khuya" 

Từ di tích Khau Tý, chúng tôi với mong muốn tìm hiểu về đời sống của người dân địa phương, đã tìm đến gia đình ông Ma Đình Soạn. Ông Soạn nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc, từ khi về hưu, ông cũng tiên phong là những người đầu tiên phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Quyên. Ông Soạn mời chúng tôi chén trà mộc theo đúng nghĩa, mộc mạc và chân thành như chính những người dân nơi đây. Trong câu chuyện bên chén trà ấm, ông Ma Đình Soạn cho chúng tôi biết những thông tin về địa phương. Bản Quyên là xóm có đa số đồng bào dân tộc Tày sinh sống, từ đời này qua đời khác, đồng bào Tày ở Bản Quyên kiên trung trong kháng chiến, trong hòa bình lại cùng nhau làm ăn kinh tế, đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa.

Để giúp chúng tôi có những trải nghiệm tại địa phương, ông Ma Đình Soạn chuẩn bị các dụng cụ bảo hộ và dẫn chúng tôi “đi rừng”. Trong tán rừng, ông Soạn chỉ cho chúng tôi các kinh nghiệm sinh tồn trong rừng, cách tìm kiếm và phân biệt các cây thuốc và thêm nhiều kiến thức về thế giới thực vật mà có lẽ chỉ có những người lớn lên bên những cánh rừng nhiều kinh nghiệm mới có được. Sau gần 1 tiếng chinh phục cung đường rừng với nhiều kiến thức mới được tiếp thu, chúng tôi tham gia vào trải nghiệm các công đoạn làm chè cùng người dân địa phương. Dù không phải vùng chè trọng điểm, nhưng được trải nghiệm hái những búp chè tại chính vùng đất cách mạng ATK Định Hóa, trò chuyện với đồng bào dân tộc Tày, cùng nghe những câu chuyện lịch sử được kể lại bằng chất giọng dung dị, bên những vạt chè xanh ngát là trải nghiệm mang lại cảm giác rất riêng có khi du khách đến với Bản Quyên.

Hành trình buổi sáng khiến chúng tôi bắt đầu đói bụng. Chúng tôi tạm biệt các bà, các chị đang tất bật thu hái chè trên nương, để trở về gia đình ông Ma Đình Soạn. Trải nghiệm du lịch tại Bản Quyên, ẩm thực chắc chắn sẽ là điều níu chân du khách. Trong căn bếp nhỏ, ông Soạn nhanh nhẹn chuẩn bị các nguyên liệu, thứ mà ông nói vui với chúng tôi là “ quà của rừng, của suối”. Thật vậy, những cây măng rừng hơi ngả vàng mà theo kinh nghiệm của người dân là thời điểm ngon nhất, không nhạt nhưng lại chưa quá đắng; những đĩa cá suối thơm lừng, những ống cơm lam nén chặt được nướng trên bếp củi... đủ làm chiếc dạ dày của dân thành thị chúng tôi cồn cào.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Bản Quyên được công nhận từ năm 2017 

Bản Quyên - vùng đất của lịch sử và văn hóa, thế nhưng bức tranh du lịch ở Bản Quyên vẫn còn nhiều nốt trầm. Qua câu chuyện của người dân địa phương, chúng tôi được biết, Bản Quyên được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là Làng văn hóa du lịch từ năm 2017. Sau đó, địa phương cũng được đầu tư một số cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, người dân địa phương cùng tham gia tập huấn, trang bị các kỹ năng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa tới du khách. Thế nhưng, một vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khách đến với Bản Quyên ngày một ít, nhiều người dân địa phương trước kia tham gia làm du lịch, nhưng đã phải bỏ giữa chừng vì không có điều kiện tái đầu tư. Anh Ma Văn Thành, Trưởng Ban công tác mặt trận xóm Bản Quyên mời chúng tôi đi dạo trên con đường quanh xóm, anh Thành chỉ về phía xa xa những ngôi nhà trước kia được phục dựng để khách lưu trú nhưng nay đã bỏ không với vẻ đầy tiếc nuối: "Trước khi có đại dịch Covid-19, có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến với Làng văn hóa du lịch Bản Quyên. Để phục vụ du khách, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như nhảy sạp, giao lưu hát then, đốt lửa trại, hay các sản phẩm du lịch như hướng dẫn du khách làm đồ thủ công, trải nghiệm dạo bộ trong những tán rừng, trải nghiệm làm chè… Các du khách rất yêu thích, đặc biệt là du khách nước ngoài. Nhưng từ sau khi đại dịch Covid-19, các đoàn khách thưa dần, đến nay, mỗi tháng, Làng văn hóa du lịch Bản Quyên chúng tôi chỉ đón rải rác 1- 2 đoàn, nhiều hộ gia đình đã không còn mặn mà với làm du lịch".

Ông Ma Đình Soạn chuẩn bị khu vực lưu trú cho du khách trên căn nhà sàn cổ được phục dựng để phát triển du lịch 

Cùng chung những tâm tư, ông Ma Đình Soạn thêm lời: Lớp người cao tuổi như chúng tôi vẫn còn giữ gìn được nhiều bản sắc văn hóa, nhưng nếu không có những tác động tích cực từ giữ gìn và quảng bá văn hóa thông qua du lịch, nhiều nét văn hóa sẽ dẫn bị mai một, vì những người trẻ trong xóm đều phải đi làm ăn xa, không có người để chúng tôi truyền dạy lại.

Kết thúc hành trình một ngày ở Bản Quyên, đoàn chúng tôi được người dân mời nghe một làn điệu Then truyền thống, tiếng Then ngọt ngào như nối dài những giá trị lịch sử trường tồn. Và trong làn điệu ngọt ngào đó, như gửi gắm niềm mong muốn của người dân Làng văn hóa du lịch Bản Quyên về một ngày du lịch lại khởi sắc trở lại ở nơi đây!.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn

Cơ quan chủ quản: UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trụ sở: Số 18, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên Email: portal@thainguyen.gov.vn Điện thoại: 0208.3851149 Fax: 0208.3851149

Tổng Biên tập: Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên

Ghi rõ nguồn "thainguyen.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này